Tại Đại hội, Vietnam Airlines đã báo cáo kết quả thực hiện năm 2022: Vận chuyển 18,24 triệu lượt hành khách, vượt 7,5% so với kế hoạch. Trong đó sản lượng khách quốc tế đạt 2,47 triệu lượt (bao gồm thuê chuyến), thấp hơn 1,4% so với kế hoạch. Sản lượng khách nội địa đạt 15,77 triệu lượt, vượt 9% so với kế hoạch.
Nguyên nhân chính sản lượng khách quốc tế không đạt kế hoạch là thị trường Trung Quốc mở cửa chậm hơn dự kiến còn khách nội địa vượt kế hoạch là do thị trường tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn cao điểm hè sau giai đoạn kìm nén về du lịch.
Về kết quả tài chính, công ty mẹ Vietnam Airlines đạt doanh thu 50.214 tỷ đồng, hợp nhất 71.775 tỷ đồng. Số lỗ trước thuế của công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là -8.841 tỷ đồng và -10.945 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của công ty mẹ và hợp nhất tại thời điểm 31/12/2022 lần lượt là -3.579 tỷ đồng và -11.056 tỷ đồng.
Năm 2023, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 21,11 triệu lượt khách, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng khách quốc tế 6,38 triệu lượt, tăng 158,4% so với cùng kỳ. Sản lượng khách nội địa 14,73 triệu lượt khách , giảm 6,6% so với cùng kỳ.
Vietnam Airlines cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, đà phục hồi thị trường vận tải hàng không vẫn diễn ra khá mạnh mẽ, nhưng đã có xu hướng chậm lại từ quý 2. Hoạt động vận tải hành khách quốc tế vẫn thấp hơn khá nhiều so với trước đại dịch. Các yếu tố đầu vào quan trọng (giá nhiên liệu, lãi suất) tuy đã bình ổn nhưng vẫn ở mức cao.
Trong nửa sau năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do kết quả cao điểm hè thấp hơn kỳ vọng, tình hình suy giảm cầu tại các thị trường trọng điểm, tình hình thị trường nội địa không khả quan, tái diễn tình trạng thừa tải và suy giảm doanh thu bình quân, các yếu tố đầu vào vẫn ở mức cao và bất lợi.
Với các yếu tố đó, theo tính toán kết quả sản xuất kinh doanh của cả năm 2023 công ty mẹ vẫn lỗ khoảng -4.870 tỷ đồng, hợp nhất lỗ -5.562 tỷ đồng.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết: "Chúng tôi đánh giá có cả cơ hội và thách thức song hành. Để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển, Vietnam Airlines đã xây dựng các kế hoạch và giỉa pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Trong đó, hãng đặc biệt chú trọng triển khai đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024".
Về chủ trương bán 6 tàu bay ATR72 để thay thế bằng đội bay phản lực khu vực, Vietnam Airlines đã triển khai bán lần 1 trong năm 2021 nhưng không thành công. Do thị trường tàu bay chưa thuận lợi trong giai đoạn Covid và nhu cầu khai thác thay đổi trên cơ sở kế hoạch nâng cấp các sân bay VCS/DIN, Vietnam Airlines sẽ triển khai thủ tục bán lần 2 đối với các tàu bay này trong năm 2023 và 2024.
Về chủ trương bán 9 tàu bay A321 CEO, trong năm 2023 Vietnam Airlines đã thực hiện đấu giá thành công 3 tàu bay A321CEO (VN-350/351/352). Hiện Vietnam Airlines đang đàm phán hợp đồng mua bán với đối tác trúng đấu giá (dự kiến hoàn thành bàn giao trong quý 4/2023 - quý 1/2024).
Đối với 2 tàu bay dự kiến chuyển đổi từ chở khách sang chở hàng để bán và thuê lại (VN-A353/354), Vietnam Airlines đã dừng thực hiện chuyển đổi trong bối cảnh thị trường hàng hóa có nhiều thay đổi sau Covid-19.
Đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines còn lại 6 tàu bay A321CEO sản xuất 2007-2008 và sẽ tiếp tục xem xét phương án bán / bán & thuê lại trong năm 2024 và các năm tiếp theo trên cơ sở đánh giá nhu cầu khai thác, tình hình thị trường và cân đối dòng tiền thực tế.