Mặc dù xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam giảm so với năm 2023, nhưng đây vẫn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD trong năm 2024.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 2,62 triệu tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 11,4% về trị giá so với năm 2023.
Tính riêng mặt hàng sắn, năm 2024, xuất khẩu sắn đạt 647,84 nghìn tấn, trị giá 119,07 triệu USD, giảm 43,1% về lượng và giảm 48,6% về trị giá so với năm 2023.
Năm 2024, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn giảm nhẹ so với năm 2023, do nhu cầu của Trung Quốc chậm nên giá sắn xuất khẩu trong mấy tháng gần đây thường xuyên ở mức thấp. Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2024 đạt mức 440,4 USD/tấn, giảm 0,2% so với năm 2023.
Năm 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 92,85% về lượng và chiếm 91,77% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 2,43 triệu tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, giảm 9,8% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với năm 2023.
Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2024 ở mức 435,3 USD/tấn, giảm 0,8% so với năm 2023. Nhu cầu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc chậm lại trong năm 2024 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Nhìn chung, năm 2024 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và chưa tận dụng được các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Tại các thị trường này, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn nhập khẩu từ Việt Nam còn rất thấp.
Trong khi đa phần các thị trường đều giảm nhập khẩu thì xuất hiện một quốc gia tăng mạnh thu mua, đó là Pakistan. Trong năm 2024, thị trường này đã nhập khẩu hơn 1.000 tấn sắn từ Việt Nam, trị giá 763 nghìn USD, tăng 120% về lượng và tăng 143% về kim ngạch.
Pakistan có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Từ các mặt hàng nông sản truyền thống như: Chè, hạt tiêu, hạt điều, phi-lê cá tra... đến các mặt hàng tiêu dùng như: Quần áo, giầy dép)hay là các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như: Điện thoại di động, máy giặt, máy in...
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Thái Lan với hơn 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Tính đến nay, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 530.000 ha/năm.
Năm 2025, Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn và các sản phẩm sắn Việt Nam nhờ nhu cầu lớn, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác. Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào và Campuchia.
Mục tiêu xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt kim ngạch 1,8 - 2 tỷ USD vào năm 2030.