Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về những đề xuất có liên quan đến dự án xây dựng cảng biển Trần Đề. Theo văn bản này, dự án cảng biển Trần Đề có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 162.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ được triển khai ở cửa Trần Đề, thuộc địa phận xã Trung Bình, huyện Trần Đề và cách bờ biển hiện hữu khoảng 25 km về phía Đông.
Cụ thể, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị rằng, trong giai đoạn từ năm 2025 – 2030, tỉnh sẽ tập trung vào việc đầu tư các hạng mục quan trọng bao gồm cầu cảng dài 5.300 m, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container có trọng tải lên đến 100.000DWT (tương đương từ 6.000 - 8.000TEU), tàu hàng rời 160.000DWT và đê chắn sóng dài 9.800 m. Trong đó, giai đoạn khởi động, tỉnh sẽ xây dựng 4.000 m đầu tiên và cây cầu vượt biển dài 17,8 km để kết nối cảng với đất liền. Dự kiến, đây cũng là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và thuộc top dài nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, dự án cảng Trần Đề sẽ triển khai cả khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics trên diện tích khoảng 4.000 ha. Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, khu vực này sẽ bao gồm những hạng mục như san lấp mặt bằng, cấp thoát nước, xây dựng hệ thống giao thông nội bộ, điện động lực, phòng cháy chữa cháy và thông tin liên lạc.
Theo số liệu công bố Tổng cục Hải quan ngày 10/1, trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 41,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của vùng đạt 28,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2023 và nhập khẩu đạt 13,8 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2023.
Về xuất khẩu, các tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều tăng trưởng dương về kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, Trà Vinh là địa phương có mức tăng lớn nhất với 25,8% so với năm 2023; Sóc Trăng có mức tăng lớn thứ hai, với 25,6%.
Trong năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng ước đạt 7,07%, đứng thứ 8 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 42 cả nước. GRDP bình quân đầu người của Sóc Trăng đạt 66,5 triệu đồng/người/năm.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhưng năng suất vận chuyển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung còn thấp, kh chủ yếu bằng phương tiện thủy nội địa và đường bộ. Chính vì vậy, vùng cần có một cảng đầu mối Trần Đề để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, từ đó giúp giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyến lên cảng biển Đông Nam Bộ.
Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, dự án cảng Trần Đề được kỳ vọng sẽ trở thành cảng cửa ngõ lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng hóa, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Siêu cảng Trần Đề sẽ được triển khai thế nào?
![cang-tran-de.jpg](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/12/cang-tran-de.jpg)
Dự án cảng Trần Đề dự kiến được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Trong đó, thứ nhất, giai đoạn khởi động có tổng mức đầu tư khoảng 44.695 tỷ đồng. Cụ thể, vốn đầu tư công là 19.403 tỷ đồng (chiếm 43%) được đề xuất từ ngân sách Trung ương để tiến hành xây dựng đường kết nối, cầu vượt biển, đê chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu. Số còn lại là 25.292 tỷ đồng (chiếm 57%) sẽ được huy động từ nguồn vốn tư nhân nhằm phát triển khu dịch vụ hậu cần và các bến cảng.
Thứ hai, giai đoạn hoàn thiện có tổng mức đầu tư dự kiến đạt 162.731 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công là 46.476 tỷ đồng (chiếm 29%), còn lại là vốn tư nhân, với 116.255 tỷ đồng (chiếm 71%).
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, siêu cảng Trần Đề được quy hoạch ngoài khơi nhằm đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cảng này có chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hoá, hành khách tuyến bờ ra đảo.
Ngoài ra, cảng Trần Đề sẽ có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách, phát triển theo định hướng xã hội hoá để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư.
Cảng Trần Đề được quy hoạch tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 DWT cho các bến trong sông, tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện cũng như tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 DWT ngoài khơi cửa Trần Đề.