Tập đoàn Intel, một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Hoa Kỳ, đã bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 2006. Vào năm 2021, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD, Intel trở thành doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tiên khánh thành nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới ở Việt Nam.
Không chỉ vậy, cũng trong năm 2021, Intel thông báo sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, với quy mô tăng gần 50% so với các khoản đầu tư 1 tỷ USD trước đó của Intel kể từ năm 2006 để sản xuất các sản phẩm 5G và bộ vi xử lý lõi. Khoản đầu tư bổ sung của Intel đã góp phần đưa tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào Việt Nam xấp xỉ ở mức 1,5 tỷ USD.
Báo cáo gần đây của VinaCapital cho hay, hiện tại, cơ sở của Intel Việt Nam đang nghiên cứu Gen Raptor Lake thế hệ thứ 13 và Meteor Lake thế hệ mới, chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu để lắp ráp và thử nghiệm. Đây là một con số đáng kể và Intel đang có kế hoạch mở rộng hơn nữa năng lực lắp ráp và thử nghiệm tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mới đây, ông Phùng Việt Thắng, đại diện Intel Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, Intel Việt Nam được đánh giá là cơ sở thành công nhất của Intel toàn cầu. Để đạt được kết quả đó, đồng hành cùng Intel là sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cũng như sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành.
“Intel Việt Nam không tự coi mình là nhà đầu tư đã đầu tư tại Việt Nam mà chúng tôi luôn chứng minh mình là nhà đầu tư tiềm năng tiếp theo tại Việt Nam. Chúng tôi luôn tự đổi mới và nghiên cứu đầu tư thêm công nghệ mới”, ông Thắng cho hay.
Vị đại diện Intel Việt Nam cho biết thêm, có thể thấy, những chính sách hay sự biến động của nền kinh tế luôn tác động đến những công ty sản xuất như Intel và những chính sách ban hành mang tính tổng hợp của các bộ, ngành vô cùng quan trọng với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Phùng Việt Thắng cũng đã nêu một số vấn đề lớn mà doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành. Đầu tiên là nguồn nhân lực của ngành bán dẫn. Theo ông Thắng, vấn đề nhân lực này không chỉ nằm ở năng lực của người kỹ sư, người lao động mà còn cần cả một chính sách liên quan đến đào tạo nguồn cung sớm cho ngành bán dẫn.
“Để làm được điều này, tôi cho rằng cần nhiều sự quyết tâm của các bộ, ngành”, đại diện Intel Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Vấn đề thứ hai là về thuế tối thiểu toàn cầu. Ông Thắng cho hay, đây không phải vấn đề riêng của doanh nghiệp hay Bộ Tài chính mà còn cần sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành khác.
“Vì thế, những hành động cụ thể của Chính phủ không chỉ là động lực, là bài học cho riêng Intel mà còn cho các doanh nghiệp khác có thể học hỏi, tham vấn và giúp chúng tôi đưa ra những quyết định quan trọng”, ông Phùng Việt Thắng nhấn mạnh.