Ngày 18/11, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Tổng kết tình hình thực hiện các khuyến nghị Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Đại dịch đã làm tổn hại về con người ở mức cao và đang gia tăng trên thế giới và Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến những tiến triển đáng kể đạt được về giảm nghèo cùng cực trên thế giới từ thập kỷ 1990, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất đến các hộ gia đình thu nhập thấp, người lao động ở khu vực phi chính thức và nữ giới.
Tác động của đại dịch lên nền kinh tế làm cho nguồn thu giảm mạnh do đóng cửa hoạt động kinh tế, miễn giảm, khấu trừ thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Tình hình tài chính của doanh nghiệp Nhà nước trở nên xấu đi.
Chi tiêu tăng, trong đó chi thường xuyên tăng, nhiều quốc gia phải chi tiêu rất nhiều tiền, nhiều gói hỗ trợ lớn. Tại một số quốc gia, chi đầu tư được dùng để hỗ trợ tổng cầu cầu hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch và điều đó khiến mức nợ nhiều quốc gia tăng lên mạnh.
Mức bội chi toàn thế giới, cân đối tài chính ngân sách tăng lớn như tại Mỹ, Trung Quốc…
Ở Việt Nam cũng vậy, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến số thu của Chính phủ, nguồn thu giảm mạnh khi nền kinh tế đóng cửa cũng như bị ảnh hưởng do việc miễn giảm khấu trừ thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bà Dorsati Madani đánh giá; “Tôi thấy cách thức Việt Nam ứng phó rất khác, nợ của Việt Nam không tăng mạnh, bội chi tăng một chút nhưng điều chúng tôi ghi nhận là năm 2020 và năm 2021, các chính sách tài khóa đã hỗ trợ kinh tế vượt qua khủng hoảng. Việt Nam đã rất thành công trong hỗ trợ tổng cầu khi đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020, nếu năm nay Việt Nam thực hiện tốt điều này, sẽ đẩy tăng trưởng thêm 1%.”.
Cũng theo lời bà Dorsati Madani, trong hoạch định chính sách chúng ta phải chuẩn bị để sẵn sàng cho các khủng hoảng trong tương lai. Việt Nam không có rủi ro trong vượt trần nợ công, do đó, còn dư địa tài khóa để ứng phó với đại dịch và khủng hoảng.
Bà Dorsati Madani khuyến nghị, trong ngắn hạn Việt Nam cần tăng cường quản lý rủi ro tuân thủ và tăng cường quản lý doanh nghiệp nộp thuế lớn.
Trong trung hạn, để để hỗ trợ Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cần mở rộng cơ sở thu từ thuế qua áp dụng thuế môi trường, thuế kinh tế số và thuế tài sản, đồng thời đẩy mạnh số hóa để mở rộng ra khu vực kinh tế phi chính thức.
Còn đối với các chính sách chi tiêu, quản lý đầu tư công trong ngắn hạn, chi tiêu nhiều hơn nhưng phải tốt hơn. Quản lý đầu tư công phải nâng cao linh hoạt về sử dụng vốn, hài hòa quy trình phê duyệt hành chính để đẩy nhanh công tác lập kế hoạch, phân bổ ngân sách, quy trình đấu thầu và giải ngân.
Các đơn vị chi tiêu cũng phải dự báo tốt hơn kế hoạch triển khai dự án để giải ngân vốn sát với kế hoạch.
Trong trung và dài hạn, bên cạnh việc phải chi tiêu tốt hơn cần phải đầu tư vào các công trình đem lại hiệu quả, đặc biệt vào công nghệ xanh và bền vững để tạo nền tảng cho chuyển đổi kinh tế trong thời gian tới. Thể chế hóa sự linh hoạt trong quản lý đầu tư công bằng cách áp dụng kế hoạch đầu tư trung hạn cuốn chiếu nhằm nhanh chóng phân bổ và điều chuyển cho các dự án sẵn sàng triển khai.
Bà Steffi Stallmeister - Giám đốc quản lý danh mục của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bổ sung thêm, Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, có thể tăng trưởng thêm 1% GDP. Muốn vậy, Việt Nam phải đẩy nhanh việc lập dự án, phân bổ ngân sách và giải ngân nhanh.
Khủng hoảng Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đẩy nhanh các cải cách, chuyển đổi cần thiết để khôi phục phát triển kinh tế, để Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.