Việt Nam có cơ hội lớn tham gia thị trường 100 tỷ USD, “tiền không phải là vấn đề” nhưng 1 điều cần lưu ý

Minh Hằng | 18:43 19/09/2024

Nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm cách chinh phục thị trường này. Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội và tiềm năng rất lớn.

Việt Nam có cơ hội lớn tham gia thị trường 100 tỷ USD, “tiền không phải là vấn đề” nhưng 1 điều cần lưu ý

Đó là thị trường carbon thế giới. Đây là thị trường rất tiềm năng, nhất là trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo thông tin từ Viện Thị trường Carbon thế giới, hiện nay có khoảng 73 cơ chế carbon (tính cả ở thị trường tự nguyện và bắt buộc) đang được vận hành ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Các cơ chế này hiện đang phủ khoảng 23% trong tổng lượng phát thải khí nhà kinh trên toàn cầu. Trong năm 2022, các cơ chế này đã huy động được khoảng 100 tỷ USD trên thế giới.

Trên thế giới đã có sự đồng thuận là để giảm phát thải 2% theo Thỏa thuận Paris, mức phát thải phải giảm xuống 28% vào năm 2030. Thị trường carbon, bao gồm tự nguyện (hình thành dựa trên việc mua - bán tự nguyện về tín chỉ carbon với mục tiêu giảm phát thải) và bắt buộc (mua – bán dựa trên cơ chế hình thành trong Công ước quốc tế về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được hình thành và được coi là một trong những cơ chế quan trọng nhằm giảm phát thải.

Việt Nam có cơ hội lớn tham gia thị trường 100 tỷ USD, “tiền không phải là vấn đề” nhưng 1 thứ cần lưu ý - Ảnh 1.

Trồng lúa để bán tín chỉ carbon có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đây là ước tính của Ngân hàng Thế giới khi vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL của Việt Nam được hình thành. Ảnh minh họa

Trong năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Đây được coi là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và các địa địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon giàu tiềm năng.

Theo tính toán, chỉ riêng trong ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ, từ đó có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế đem về gần 300 triệu USD/năm.

Việt Nam có cơ hội lớn tham gia thị trường 100 tỷ USD, “tiền không phải là vấn đề” nhưng 1 thứ cần lưu ý - Ảnh 2.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường", ngày 17/9.

Tại hội thảo "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường", PGS Chu Hoàng Long, ĐH Quốc gia Australia (ANU), cho biết: "Từ xa xưa, lúa gạo là ngành hàng quan trọng với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng sản xuất lúa gạo lại là ngành phát thải ra khí nhà kính nhiều nhất trong nông nghiệp".

Không phải chỉ có giải pháp công nghệ, kỹ thuật mới là quan trọng. Theo PGS Chu Hoàng Long, trên thực tế, khía cạnh về kinh tế, xã hội, quy trình thực hiện đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh thành công.

PGS Chu Hoàng Long chia sẻ về các động cơ tài chính của nông dân hướng tới sản xuất xanh trong ngành lúa gạo. 

Bởi vì ngành hàng này sử dụng nhiều đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới. Hơn nữa, quá trình sản xuất lúa cũng tạo ra phát thải khí metan. Giải pháp để giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo đã có từ đầu những năm 2000, với 2 nhóm giải pháp là giảm bớt đầu vào để nâng cao hiệu quả và giảm bớt thời gian ngập. Tuy nhiên, xét về tổng thể, người nông dân sẽ tốn chi phí hơn hoặc bị giảm lợi nhuận, dẫn tới việc quy mô áp dụng các kỹ thuật canh tác phát thải thấp còn hạn chế. Trên thực tế, có những hộ dân đã áp dụng nhưng sau lại từ bỏ.

Theo PGS Chu Hoàng Long, cơ chế thị trường được coi là công cụ hiệu quả để giải quyết vấn đề này, thông qua việc bán tín chỉ carbon. Nhưng việc thực hiện cơ chế thị trường cũng đòi hỏi quá trình kiểm định và cần được thiết kế phù hợp với những mục tiêu vĩ mô của quốc gia.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp, chia sẻ ý kiến về việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh. 

Người nông dân quan tâm tới gì khi chuyển đổi xanh?

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp (NN&PTNT), cho hay, điều đầu tiên mà người nông dân quan tâm là chuyển đổi xanh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hay không, bên cạnh chú ý tới việc đóng góp cho việc giảm phát thải, đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay có một điểm rất khó khăn với nông dân Việt Nam. Đó là quy mô nông nghiệp của nông dân nước ta rất nhỏ. Vì thế ngay cả hiệu quả kinh tế khá tốt thì tính ra lợi ích mang lại cho nông dân cũng không bằng việc họ cho thuê đất và sau đó đi làm trong những lĩnh vực phi nông nghiệp.

"Trong sinh kế của nông dân Việt Nam, nhất là ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp của nông nghiệp không phải là cao nhất. Chính vì vậy, nông dân khó mặn mà với việc rất xa xôi và nhiều rủi ro như là việc giảm phát thải carbon", TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.

"Nông dân là lõi, là gốc quyết định trong việc có giảm phát thải carbon hay không"

TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ về nông nghiệp xanh. 

Theo TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với xu hướng hiện nay, dù chúng ta bận tâm đến vấn đề chi phí, nhưng nếu thị trường chấp nhận giá cao hơn thì chúng ta có thể bán với giá cao hơn. Điều này có nghĩa là lợi nhuận của người nông dân bán nông sản xanh, giảm phát thải vẫn được đảm bảo.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Bagico, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhận định: "Thị trường quyết định tất cả. Chúng ta xây dựng chương trình giảm phát thải, kinh tế xanh, cần phải hướng vào đối tượng khách hàng cụ thể và định vị rõ ràng".

Theo bà Thành Thực, đứng dưới góc độ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ phải xác định xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nông sản, chẳng hạn như lúa gạo. Khi thực hiện chương trình này thì chúng ta bán cho ai? Việc này mới giải quyết được bài toán trên và doanh nghiệp cảm thấy lợi ích của mình trong đó, từ đó giải quyết bài toán của nông dân.

"Chúng ta không thể nói rằng người nông dân nằm ngoài câu chuyện giảm phát thải. Bởi người nông dân là lõi, là gốc để quyết định việc chúng ta có giảm phát thải carbon hay không trong ngành hàng lúa gạo", nữ doanh nhân đứng đầu Bagico khẳng định.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Bagico, chia sẻ câu chuyện "chuyển đổi thật" từ chính doanh nghiệp của bà. 

Việt Nam có rất nhiều chính sách với nông nghiệp, nông dân, để chúng ta có thể cùng đồng hành thực hiện chương trình giảm phát thải carbon. Nhiều ví dụ có thể kể đến như chính sách liên kết chuỗi, chương trình hỗ trợ với hợp tác xã, kinh tế nông nghiệp… Tựu trung lại là tìm lời giải cho bài toán kinh tế. Kết quả cuối cùng của việc làm kinh tế là được lợi nhuận những gì? Khi giải đáp được việc này thì sẽ giải quyết được vấn đề là các doanh nghiệp cần phải làm hay bị phải làm.

Lấy ví dụ từ chính AutoAgri, doanh nghiệp làm việc thực tế với các nông dân, bà Thành Thực cho biết: "Chúng tôi xây dựng AutoAgri đầu tiên là từ yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Tại thị trường tỷ dân áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể, nông sản của Việt Nam khi bán sang Trung Quốc phải ứng dụng truy xuất nguồn gốc thông qua một phần mềm. Đó là lý do AutoAgri tạo ra các mã QR code bao gồm hơn 80.000 nhật ký trồng trọt của các nông dân, nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu sang Trung Quốc".

Cùng quan điểm, theo TS Đặng Kim Sơn, như ông đã nói trước đó, lưc lượng nông dân Việt Nam còn khá nhỏ nên hiệu quả kinh tế mang lại vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy, khi chúng ta chuyển từ thị trường ngày hôm nay dùng sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc lên thị trường có giá cao hơn hẳn. Cái giá này có thể đủ bù đắp cho chi phí sản xuất cao hơn và người nông dân vẫn có lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, muốn làm được chuyển đổi sang nông nghiệp xanh thì trước hết cần phải có vai trò quan trọng của nhà nước. 

Thứ hai, năm 2026, các nước châu Âu bắt đầu áp dụng tính thuế carbon với những nhà nhập khẩu cả trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Đến lúc đó, nếu sản phẩm của Việt Nam được chứng nhận thì chúng ta sẽ được miễn loại thuế này.

Thứ ba, chúng ta có thể "kiếm lời" từ việc mua bán tín chỉ carbon. Thứ tư, chúng ta có thể tạo ra thương hiệu mới, tạo ra một gương mặt mới của nông sản Việt Nam. Đó là nông sản không chỉ có ngon, sạch, bổ nữa mà còn có thêm giảm phát thải.

Theo TS Đặng Kim Sơn, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế có cam kết rất mạnh về việc giảm phát thải. Tuy nhiên, không vì lẽ đó mà các doanh nghiệp tỏ ra lo lắng. Trong cuộc đua về chuyển đổi xanh và giảm phát thải, các doanh nghiệp không nên chạy theo thành tích. Thay vào đó, khi thế giới đi tới đâu, chúng ta hãy đi theo tới đó để giữ được lợi thế về cạnh tranh.

"Tiền không phải là vấn đề"

Việt Nam có cơ hội lớn tham gia thị trường 100 tỷ USD, “tiền không phải là vấn đề” nhưng 1 thứ cần lưu ý - Ảnh 7.

Theo TS Đặng Kim Sơn, trong tương lai, chúng ta có thể tạo ra một gương mặt mới của nông sản Việt Nam. Đó là nông sản không chỉ có ngon, sạch, bổ mà còn có thêm giảm phát thải.

"Ở Việt Nam, ngân sách Chính phủ còn hạn hẹp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam họ đều đặt chỉ tiêu về giảm phát thải tại các địa phương. Do đó, tiền không phải là vấn đề, mà vấn đề ở đây là thể chế", TS Đặng Kim Sơn cho biết.

Nếu chúng ta không huy động được những doanh nghiệp đầu tàu làm chủ chuỗi cho cả vùng chuyên canh thì không thể nào tiến hành giám sát, đánh giá, kiểm tra và hỗ trợ cho người nông dân. Do đó, chúng ta cần một biện pháp về thể chế. Nếu làm được việc này thì chắc chắn Việt Nam sẽ giảm được phát thải carbon một cách hiệu quả.

"Tôi đề nghị Bộ KH&ĐT, NIC và các chuyên gia của Úc cùng tiến hành phân tích và làm thử. Tôi sẵn sàng đề nghị Bộ NN&PTNT, một số doanh nghiệp cùng đứng lên để chúng ta làm với nhau. Đây sẽ là đòn đột phá góp phần khắc phục được những khó khăn và trở ngại của chúng ta", TS Đặng Kim Sơn bày tỏ.

Đồng quan điểm với TS Đặng Kim Sơn, TS Đặng Đức Anh cho rằng, trước hết, Việt Nam cần phải xây dựng một ngân hàng tín chỉ, nhất cho cho ngành nông nghiệp. Thứ hai, đồng thời chúng ta nên xây dựng một thị trường trao đổi tín chỉ. Thứ ba, hiện nay Việt Nam rất thiếu các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực về kiểm kê, đánh giá về lượng khí giảm phát thải. Nông nghiệp là lĩnh vực đầy tiềm năng. Do đó, nếu chúng ta xây được một quỹ giảm phát thải nếu tập trung được các điểm trên thì rất tốt.

Hội thảo "Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp thông qua Cơ chế Thị trường" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Hội Trí thức và Chuyên gia Việt tại Australia (VASEA), Đại học Quốc gia Australia (ANU) tổ chức, với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam có cơ hội lớn tham gia thị trường 100 tỷ USD, “tiền không phải là vấn đề” nhưng 1 điều cần lưu ý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO