TikTok Shop đang đe dọa vị thế những ‘tay chơi’ thương mại điện tử lớn như Shopee và Lazada ở Đông Nam Á, theo CNBC. Tính năng hiện có trên TikTok, ra đời như một cách để công ty mẹ ByteDance tạo ra nguồn doanh thu thay thế. Ứng dụng mua sắm cho phép nhiều thương hiệu và người sáng tạo nội dung giới thiệu và trưng bán sản phẩm.
Vào năm 2022, TikTok Shop mở rộng ra 6 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.
“TikTok tiếp tục phát triển nhanh chóng ở các nước Đông Nam Á. Chúng tôi ước tính rằng tổng giá trị hàng hóa (GMV) của TikTok vào năm 2023 sẽ đạt 20% so với Shopee”, Shawn Yang, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus, cho biết.
Được biết, GMV của TikTok Shop đã tăng gấp 4 lần lên 4,4 tỷ USD ở Đông Nam Á vào năm 2022, theo The Information. Ứng dụng đang hướng tới mục tiêu GMV đạt 12 tỷ USD vào năm 2023.
Để so sánh, GMV hiện tại của TikTok Shop chỉ bằng một phần nhỏ so với Shopee và Lazada. GMV của Shopee đạt 73,5 tỷ USD vào năm 2022, trong khi GMV của Lazada là 21 tỷ USD tính đến tháng 9/2021, theo CNBC. Shopee hiện đang mở rộng quy mô hoạt động ở Malaysia sau khi ‘rút chân’ khỏi một số thị trường châu Âu và Mỹ Latinh.
Đại diện TikTok Shop cho biết ứng dụng này sẽ “tiếp tục phát triển nhanh chóng” khi ngày càng nhiều người bán sử dụng nền tảng này để tiếp cận khách hàng mới. TikTok hiện cũng tập trung phát triển TikTok Shop tại Đông Nam Á.
Tính đến tháng 5, lượng người dùng TikTok chỉ riêng ở Đông Nam Á là 135 triệu, theo công ty nghiên cứu thị trường Insider Intelligence. Theo Statista, Indonesia có số lượng người dùng TikTok lớn thứ hai sau Mỹ.
“Chốt đơn sau khi xem các video quảng cáo là một lợi thế của TikTok”, Sachin Mittal, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lĩnh vực viễn thông & internet tại Ngân hàng DBS, nói với CNBC.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty chuyên sâu về bán lẻ trực tuyến Cube Asia tiết lộ rằng người dùng yêu thích TikTok Shop đang cắt giảm chi tiêu cho Shopee (-51%), Lazada (-45%), Offline (-38%) tại Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Dữ liệu từ công ty phân tích trang web Similarweb cho thấy Shopee hiện là thị trường trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á, nắm giữ 30%-50% lưu lượng truy cập trên toàn khu vực trong 3 tháng qua. Lazada giữ vị trí thứ hai với 10%-30% lưu lượng truy cập.
“TikTok hiện đang chi một số tiền đáng kinh ngạc để khuyến khích người mua và người bán. Điều này có thể không bền vững”, Jonathan Woo, nhà phân tích cấp cao của Phillip Securities Research cho biết, đồng thời ước tính các ưu đãi rơi vào khoảng 600 triệu đến 800 triệu USD/năm.
Để khuyến khích người bán tham gia nền tảng, TikTok Shop còn miễn phí hoa hồng khi ra mắt tại Singapore hồi tháng 8. Người bán chỉ phải trả phí thanh toán 1%. Ngoài ra, theo dữ liệu từ Apptopia, một công ty phân tích ứng dụng, TikTok Shop Seller Center cũng đang chứng kiến lượt tải xuống ngày càng tăng ở Indonesia trong hơn 1 năm qua.
Theo ông Woo, TikTok Shop “vẫn còn rất non trẻ” và đang trong “giai đoạn đốt tiền để phát triển”. Hướng đi này không quá tích cực trong thị trường hiện tại do chi phí đang gia tăng.
“Nhìn chung, TikTok Shop có tiềm năng lớn như Shopee và Lazada, dù điều này có thể mất khá nhiều năm nữa”, Woo nói.
Hơn nữa, bản thân TikTok Shop cũng đang phải đối mặt với nhiều lo ngại xoay quanh việc bán hàng kém chất lượng. Thuật toán đề xuất video từ người lạ nên tài khoản mới lập cũng có thể lập tức lan truyền, từ đó giúp những chủ shop tiếp cận khán giả nhanh hơn hẳn Instagram và YouTube - nơi mỗi tài khoản phải có lượng người theo dõi nhất định.
“TikTok ưu tiên lợi nhuận hơn việc thực hiện nghiêm các quy định về hàng hóa trên nền tảng”, CEO của một công ty thương mại điện tử ở London nói.
Đáp lại, TikTok khẳng định có chính sách nghiêm ngặt bảo vệ người dùng khỏi những nội dung giả mạo, lừa đảo hoặc gây hiểu lầm. Các nội dung vi phạm sẽ bị xóa.
Theo: CNBC