Loại hạt này là lúa mì. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải Quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu 3,64 triệu tấn lúa mì, tăng 18,3% về lượng, nhưng lại giảm 6,7 % về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là do giá bình quân hạ.
Cụ thể, các quốc gia như Brazil, Australia, Ukraine, Mỹ và Canada là các nguồn cung lúa mì chính cho Việt Nam. Trong số đó, Brazil dẫn đầu với 1,17 triệu tấn, với kim ngạch đạt hơn 293 triệu USD, tương ứng tăng gần 349% về lượng và hơn 205% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, nước ta đã nhập khẩu tới 737.100 tấn lúa mì từ ÚC, với giá trị khoảng 227,5 triệu USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng lúa mì nhập khẩu từ thị trường này giảm mạnh 65,3% và giám 69,1% về giá trị.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam tăng cường nhập khẩu lúa mì từ Ukaine, với 612.000 tấn, giá trị khoảng 159 triệu USD, tức là tăng 2.411% về lượng và gần 1.862% về giá trị. Như vậy, Ukaine trở thành nguồn cung lớn thứ ba về lúa mì cho Việt Nam, vượt qua cả Mỹ và Canada.
Ukraine hiện là nước trồng lúa mì và ngô lớn trên toàn cầu. Trước khi xảy ra cuộc xung đột vào năm 2022, Ukraine xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng qua các cảng trên Biển Đen. Doanh thu từ việc bán ngũ cốc là nguồn thu nhập quan trọng tại quốc gia này. Dù giá cả toàn cầu đang xuống thấp nhưng những người nông dân ở Ukraine không có nhiều lựa chọn. Họ đẩy mạnh xuất khẩu vì cần vốn để gieo trồng cho vụ Đông tiếp theo.
Vì sao Việt Nam nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn lúa mì?
Theo Hiệp hội chăn nuôi, lúa mì là loại hạt chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp. Sản phẩm này không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ở trong nước mà còn để xuất khẩu ngày càng tăng.
Tuy nhiên, do Việt Nam gần như không trồng được lúa mì nên nguồn cung bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Theo các chuyên gia, do giá lúa mì nhập khẩu trong năm nay lao dốc (đã giảm gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái), nên các doanh nghiệp tận dụng cơ hội về giá rẻ (nhất là từ Ukraine) để tăng cường lượng hàng nhập khẩu.
Hiện nay, thị trường lúa mì trên toàn cầu rất lớn, với sản lượng đạt khoảng 770 triệu tấn mỗi năm, với giá trị vượt 200 tỷ USD. Trên thế giới, các quốc gia xuất khẩu chính về lúa mì, bao gồm, Nga, Mỹ, Canada, Ukraine… Việt Nam hiện đang là một trong 10 nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Trước đó, trong năm 2023, Việt Nam đã chi tới 1,9 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 5,5 triệu tấn lúa mì. Nguyên nhân là do gia tăng nhu cầu về lúa mì trong nước, nhất là ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm.
Theo Báo cáo tóm tắt về Cung và Cầu ngũ cốc Thế giới của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) công bố tháng 3/2024, dự báo sơ bộ về sản lượng lúa mì toàn cầu trong năm 2024 ước đạt 797 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2023. Tuy nhiên, do giá lúa mì thấp hơn nên đã khiến diện tích trồng lúa mì mùa đông ở Mỹ giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023. Mặt khác, do điều kiện thời tiết thuận lợi nên cũng đang thúc đẩy kỳ vọng sản lượng lúa mì trong năm 2024 sẽ tăng ở Nga và sản lượng đạt trên mức trung bình ở Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.
Lúa mì là một trong những loại ngũ cốc lâu đời nhất thế giới. Đây là thực phẩm quan trọng cho con người, với sản lượng chỉ đứng sau ngô và lúa gạo trong số các loài cây lương thực. Lúa mì là không chỉ được dùng làm thực phẩm cho con người mà còn được dùng làm thức ăn cho gia súc nhờ giá trị dinh dưỡng cao của nó. Hạt lúa mì được sử dụng để làm bột mì trong sản xuất các loại bánh mì, mì sợi, bánh, kẹo... và có thể được lên men để sản xuất bia, rượu, hay nhiên liệu sinh học.
Bài tham khảo nguồn: Customs, UGA, FAO