Vì sao NHNN giảm lãi suất điều hành thời điểm này nhưng lại không điều chỉnh trần lãi suất huy động?

Minh Vy | 09:13 15/03/2023

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, giảm một số lãi suất điều hành là động thái đi tắt đón đầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng là sự linh hoạt của cơ quan này trong điều hành chính sách tiền tệ.

Vì sao NHNN  giảm  lãi  suất  điều  hành  thời  điểm này nhưng lại không điều chỉnh trần lãi suất huy động?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phát đi thông báo điều chỉnh giảm 1 điểm % nhiều loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. 

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, đây là động thái đi tắt đón đầu giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng là sự linh hoạt của cơ quan này trong điều hành chính sách tiền tệ.

Thứ nhất, đây có thể là phản ứng của NHNN với sự kiện 2 ngân hàng sụp đổ đang xảy ra ở Mỹ. Một trong những nguyên nhân khiến hai ngân hàng này sụp đổ là do lãi suất tăng, khiến họ phải bán trái phiếu ra với giá thấp hơn giá họ mua vào rất nhiều, dẫn đến khoản lỗ khổng lồ. Khoản lỗ đã đánh sụp 2 ngân hàng này. Hiện tại trên thế giới, mọi người đều đang đặt vấn đề là liệu lãi suất có quá cao hay không?

Thứ hai, có thể NHNN nhìn thấy rằng, lãi suất cao sẽ phá huỷ nền kinh tế, buộc họ phải giảm xuống. Trong 6 chỉ tiêu trong mô hình CAMELS để đánh giá sức khoẻ ngân hàng thì có 2 chỉ tiêu mà các ngân hàng Việt Nam đang gặp thử thách lớn, đó là Liquidity (thanh khoản) và Sensitivity (độ nhạy cảm với các rủi ro của thị trường). Vấn đề của Sensitivity hiện nay chính là lãi suất của chúng ta đang rất cao. Thời gian vừa qua, một số ngân hàng lớn cũng đã giảm lãi suất, nhưng cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn cao.

Lãi suất cao, tuy một mặt phục vụ cho kiểm soát lạm phát, nhưng mặt khác đánh mạnh vào nền kinh tế, khiến nhiều thị trường rơi vào khó khăn. Do đó, động thái giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ nền kinh tế thời gian tới.

Đáng chú ý, theo thông báo của NHNN, cơ quan này chỉ giảm một số loại lãi suất điều hành, trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 6%/năm, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng là 6%/năm.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khó khăn thanh khoản vẫn còn gây áp lực cho ngân hàng. Do đó, các ngân hàng vẫn còn phải duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn để thu hút người gửi tiền, đảm bảo tính thanh khoản. Tín dụng là dòng tiền phải chảy ra và trở về, tuy nhiên nếu rơi vào nợ xấu, dòng tiền này sẽ đi ra mà không quay lại, gây khó khăn cho thanh khoản.

Hiện tại, NHNN mới giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Vị chuyên gia cho rằng, sẽ cần thời gian để điều này tác động tới lãi suất thị trường 1 - thị trường cho vay các thành phần kinh tế khác.

Mức giảm là khá mạnh và kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng dồi dào tính thanh khoản hơn. Tuy nhiên, điều này còn cần phải quan sát bởi thị trường còn nhiều biến động và thách thức. Ông Hiếu cho rằng, vấn đề thiếu hụt thanh khoản thời gian qua còn một phần đến từ nợ xấu. Vậy nên lãi suất huy động vẫn còn cao, khiến lãi suất cho vay khó giảm mạnh.

Đối với thị trường chứng khoán, thông tin giảm lãi suất là tin tốt bởi thông thường lãi suất giảm thì chứng khoán tăng. Tuy nhiên, chứng khoán sẽ khó tăng mạnh, vì chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác chứ không chỉ bởi lãi suất, chẳng hạn như còn phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ trên thế giới, và dòng tiền của khối ngoại.

Theo NHNN, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

NHNN nhấn mạnh, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù vậy, NHNN cũng cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt CSTT, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây (ngày 21-22/3/2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tại Mỹ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vì sao NHNN giảm lãi suất điều hành thời điểm này nhưng lại không điều chỉnh trần lãi suất huy động?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO