Vì sao Hà Nội tạm dừng Quyết định “đổi chủ” dự án Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 liên quan đến Mường Thanh và Hải Phát

Lê Sáng | 12:44 21/11/2022

Theo UBND TP. Hà Nội, việc tạm dừng thực hiện Quyết định “đổi chủ” dự án Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 từng gây ra tranh cãi nảy lửa giữa Mường Thanh và Hải Phát là để Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát báo cáo kiến nghị của Thanh tra.

Vì sao Hà Nội tạm dừng Quyết định “đổi chủ”  dự án Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 liên quan đến Mường Thanh và Hải Phát
Phối cảnh Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5, dự án đã thổi bùng tranh cãi về tính chính danh của 2 Tập đoàn là Mường Thanh và Hải Phát tại đây.

Tạm dừng sau gần 2 năm thay đổi

Sau gần 2 năm ra quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất tại Khu đô thị mới - Cienco 5 sang một chủ đầu tư khác, thuộc các quận Hà Đông và huyện Thanh Oai (Quyết định số 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020), vừa qua, ngày 7/11, UBND Thành phố Hà Nội "bất ngờ" ban hành Quyết định số 4301/QĐ-UBND về việc tạm dừng thực hiện quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất tại dự án này.

Theo Quyết định số 4301 của UBND Thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký ban hành, Hà Nội sẽ tạm dừng thực hiện Quyết định số 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố về việc điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định 3128/QĐ-UBND ngày 30/72008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây).

f95e429b41511751d7394e84934ecaa0.jpg
Quyết định 4301 của UBND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông ký.

Lý do được UBND Thành phố đưa ra là do Sở Tài Nguyên và Môi Trường Thành phố sau khi rà soát và báo cáo theo kiến nghị của Thanh tra Thành phố về việc kiểm tra, rà soát tổng thể dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT.

Trước đó, ngày 25/11/2020, ông Nguyễn Quốc Hùng, cựu phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ký Công văn số 5269 với nội dung điều chỉnh lại tên người sử dụng đất tại các Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 cho một chủ đầu tư khác.

Cụ thể, quyết định 5269 điều chỉnh một số nội dung ghi tại quyết định số 3123 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây trước đây, theo đó, Quyết định này điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại Quyết định 3128 về việc thu hồi hơn 1,8 triệu m2 đất trên địa bàn xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh của huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 như sau: từ Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5).

"Tranh cãi nảy lửa" giữa Mường Thanh và Hải Phát

Trước khi Hà Nội ban hành Quyết định 4301/QĐ-UBND thì Quyết định số 5269/QĐ-UBND từng làm bùng lên "tranh cãi nảy lửa" giữa Tập đoàn Mường Thanh và Tập đoàn Hải Phát liên quan đến quyền lợi tại dự án Khu đô thị Thanh Hà.

Theo đó, ngay sau khi Hà Nội ban hành Quyết định số 5269/QĐ-UBND, Công ty Cổ phần Địa ốc Cienco5 (đứng sau là Tập đoàn Mường Thanh) đã liên tục có nhiều đơn thư, khiếu nại cũng như thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí cho rằng trong suốt thời gian thực hiện dự án BT và các dự án hoàn vốn (từ năm 2008- năm 2020), Tổng Công ty công trình giao thông 5 (Tập đoàn Hải Phát hiện nắm quyền chi phối) không thực hiện bất cứ hạng mục công việc nào liên quan đến dự án này.

vu-ha-noi-hoi-to-gay-bat-loi-cho-doanh-nghiep-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-3.jpg
Quyết định 5269 của UBND TP. Hà Nội do Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký.

Bên cạnh đó, phía Mường Thanh cũng cho rằng Hợp đồng BT và các hợp đồng kinh tế đã xác định Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco Land) là Chủ đầu tư của dự án BT và các dự án hoàn vốn nên việc giao đất cho Tổng Công ty công trình giao thông 5 là không có căn cứ. Tổng Công ty công trình giao thông 5 không có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan đến dự án BT và các dự án hoàn vốn nêu trên.

Trong khi đó, về phía Tổng Công ty công trình giao thông 5  (Cienco 5) do Tập đoàn Hải Phát đứng sau lại cho rằng thực tế, dự án Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 là dự án đối ứng hoàn vốn giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng đường Trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trường đầu tư từ năm 2007. UBND tỉnh Hà Tây đã có quyết định Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP (Cienco 5) là nhà đầu tư thực hiện dự án, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).

Trong khi đó, Cienco 5 Land là đơn vị được thanh lập để thực hiện các dự án hoàn vốn của Cienco 5 (doanh nghiệp dự án) chứ không phải chủ đầu tư dự án.

Được biết, sau khi Quyết định số 5269/QĐ-UBND được bán hành đến nay, tranh cãi liên quan đến dự án Khu đô thị mới Mỹ Hưng giữa nhóm Tập đoàn Mường Thanh và Tập đoàn Hải Phát vẫn liên tục diễn ra và phía nào cũng đưa ra những căn cứ pháp lý để lập luận cho quan điểm của mình.

Liên quan đến dự án, tại Kết luận Thanh tra số 3271/BC-TTTP-P2 ngày 24/8/2022 của Thanh tra Thành phố cũng nêu rõ nhiều tồn tại, hạn chế. Qua đó, Thanh tra Thành phố kiến nghị UBND Thành phố, các Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường tham vấn ý kiến các cơ quan Trung ương, Tổng cục An ninh, Bộ Công an về một số nội dung liên quan đến Dự án BT đường trục phía Nam.

Không chỉ gây ra tranh cãi giữa 2 doanh nghiệp, liên quan đến Dự án BT đường trục phía Nam và Khu độ thị mới Thanh Hà, thời gian qua cử tri thành phố Hà Nội đã liên tục có kiến nghị, khiếu nại liên quan đến việc chậm trễ triển khai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như làm mất an ninh, trật tự của khu các khu vực có dự án.

Bên cạnh đó, quá trình 2 "ông lớn" Mường Thanh và Hải Phát thâu tóm các doanh nghiệp liên quan đến Dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây là Cienco 5 và Cienco 5 Land cũng cho thấy trước đó chắc hẳn cả 2 Tập đoàn này cũng đều đã có những tính toán của riêng mình.

Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT với tổng vốn đầu tư hơn 6.067 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đầu tư được đối ứng bằng tiền sử dụng đất của 3 dự án: Khu đô thị Thanh Hà A (195,5ha), Khu đô thị Thanh Hà B (193,22ha), Khu đô thị Mỹ Hưng (182ha).

Theo tìm hiểu, Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ được triển khai từ năm 2008, đến nay, mới thi công được 19,9km, đạt được khoảng gần 50% khối lượng dự án BT theo hợp đồng đã. Đến nay, dự án Đường trục phía Nam đã chậm gần 1 thập kỷ so với thời gian thực hiện dự án theo Hợp đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vì sao Hà Nội tạm dừng Quyết định “đổi chủ” dự án Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 liên quan đến Mường Thanh và Hải Phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO