Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) từng tạo “cơn sốt” du lịch từ sau đợt Tết Âm lịch năm 2022 kéo dài cho đến dịp lễ 30/4-1/5 cùng năm, song lễ năm nay tụt lại trên đường đua. Lượng khách đến Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng đã có phần sụt giảm.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Kiên Giang, trong 5 ngày nghỉ lễ, toàn tỉnh đón gần 265.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 210 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng thành phố Phú Quốc đón trên 112.600 lượt khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2022; khách quốc tế khoảng 6.800 lượt (tổng thu đạt 132,4 tỷ đồng).
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến Phú Quốc vắng khách đợt này là do giá vé máy bay tăng cao thời gian dài. Giai đoạn trước lễ 1-2 tuần, giá vé máy bay đột nhiên tăng cao, thậm chí cao hơn mức giá của nhiều đường bay quốc tế trong khu vực châu Á. Mức giá bay khứ hồi có thể bằng cả một chuyến du lịch Thái Lan, nên chẳng ai mặn mà việc du lịch tại Phú Quốc.
Việc tăng giá vé máy bay ngay thời điểm chuẩn bị đón lễ khiến các doanh nghiệp, người làm du lịch tại Phú Quốc lo ngại về tình hình hoạt động kinh doanh du lịch dịp lễ. Cụ thể, giá vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng đi Phú Quốc có mức giá dao động 8-13 triệu đồng/khách.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ tại Phú Quốc cũng là điều khiến nhiều khách du lịch phải cân nhắc. Trên các hội nhóm du lịch, nhiều người đều than dịch vụ ở đây có 'giá trên trời', tình trạng chặt chém diễn ra rất nhiều.
Chị N.H chia sẻ: "Vấn đề là giờ tiền đi du lịch ở Phú Quốc quá cao, không chỉ cao ở vé máy bay mà còn là ăn uống, lưu trú, đi lại ở Phú Quốc. Giờ mà muốn đi Phú Quốc bằng vé máy bay đi 3 ngày 2 đêm thì mỗi người cũng phải cả chục triệu. Còn mà đi sang sang xíu cũng phải tầm 20-30tr/người. Với số tiền đó người ta sẽ chọn đi chỗ khác. Không chỉ vậy, ở tại resort, tiền taxi đi lại mấy chỗ tham quan, trung tâm Dương Đông… rồi ăn uống hải sản ở nhà hàng ngoài Phú Quốc giờ cũng cao chót vót".
Một vị khách khác cho biết: "Tôi mới đi Phú Quốc về, giá cả ăn uống ở đây còn đắt hơn cả TP.HCM. Đồ ăn, hải sản đắt gấp 2-3 lần so với những thành phố và các điểm du lịch khác, trong khi đó, chất lượng tôi thấy không hề tương xứng".
Hay như chị N.A, tỏ ra khá hoang mang sau khi nghe mọi người chia sẻ về giá dịch vụ tại Phú Quốc: "Nghe thiên hạ đồn gói mì Hảo Hảo 30k, chai nước suối nhỏ xíu 15k, lốc sữa 60k, snack 24k. Có thật vậy không, cho e xin giá địa chỉ cơm phần hủ tiếu gõ, bánh mì, xôi mặn sẵn cho e xin địa chỉ luôn. Hay e nên mang gạo với nồi cơm, thùng sữa theo cho tiết kiệm ạ?"
Có thể thấy, tình hình kinh tế trong nước khó khăn, giá cả chi phí tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập của người dân. Việc khách du lịch nội địa đến Phú Quốc qua đường hàng không giảm mạnh là do giá vé máy bay tăng cao. Dù cận lễ, giá vé đến đảo ngọc đã được điều chỉnh về mức thấp hơn vẫn không thu hút được du khách đến Phú Quốc vào giờ chót. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 có xu hướng tăng ở một số tỉnh thành dẫn đến du khách e ngại đi du lịch.