Đánh giá về hoạt động trong 5 năm qua của Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nhiệm kỳ 2017-2022 khẳng định: Trong suốt nhiệm kỳ, hoạt động của Hội đã từng bước được tổ chức bài bản hơn, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cộng đồng trong nước và quốc tế. Hội đã có nhiều hoạt động, đóng góp tích cực, rõ rệt vào sự phát triển và gắn kết các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nội dung số, truyền thông số.
Trong những năm qua, VDCA đã xây dựng được tập hợp các sự kiện, chủ trì hoặc phối hợp tổ chức cùng các cơ quan, đơn vị. Các sự kiện này dù dưới hình thức chủ trì hay phối hợp tổ chức, đều nhằm triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ của Hội đã đặt ra.
Tích cực tham gia hoạt động tư vấn, phản biện
Có thể nói, hoạt động tham gia tư vấn, phản biện chính sách của VDCA thể hiện quyền lợi, trách nhiệm cũng như mối quan tâm của Hội đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này càng khẳng định rõ hơn sứ mệnh, vai trò của Hội trong xã hội nói chung và trước các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác nói riêng.
Góp ý xây dựng Dự thảo luật An ninh mạng: 1 thảo luận chính sách và 1 báo cáo đánh giá và khuyến nghị xây dựng dự thảo Luật an ninh mạng. Tổ chức 3 Hội thảo, tọa đàm (27/11/2017, 23/3/2018 và 29/3/2018) về góp ý chính sách dự thảo Luật an ninh mạng tác động đối với doanh nghiệp và phát triển kinh tế số.
Góp ý xây dựng khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân: 2 hội thảo “Bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân trên môi trường số” ngày 15/7/2020 và Hội thảo “Chuyển đổi số và quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế” ngày 18/11/2020; Tọa đàm góp ý dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia ngày 01/7/2019; Tọa đàm góp ý cho dự thảo Nghị định chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 11/11/2019; Tọa đàm giải pháp dữ liệu mở trong phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh ngày 10/12/2019 (Phối hợp với UBND tỉnh TT Huế).
Góp ý chính sách phát triển công nghiệp nội dung số ở Việt Nam: tổ chức tập huấn về khung pháp lý cho các doanh nghiệp công nghiệp nội dung số về điều kiện kinh doanh và vấn đề bản quyền; tọa đàm góp ý, khuyến nghị chính sách xây dựng Nghị định 06/2016/NĐ-CP về phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (sửa đổi); tham gia các tham luận Diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc, Hội thảo Quyền tác giả - Quyền liên quan trong môi trường số và Hội thảo Quyền bảo hộ của tổ chức phát sóng trong môi trường số.
Góp ý xây dựng dự thảo Luật Đối tác công - tư (PPP): Tọa đàm về Cơ chế chia sẻ rủi ro trong dự án PPP ngày 16/4/2020; Tọa đàm về Các vấn đề về vốn và cơ chế giám sát trong dự án PPP ngày 28/4/2020; Tọa đàm về các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào dự án PPP (13/5/2020).
Tham gia hoạt động dự án, chương trình, sự kiện, hợp tác trong nước, quốc tế
VDCA đã phối hợp với Cục Tin học hóa của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo, công bố bảng xếp hạng E-Government - Chính phủ điện tử các năm 2018, 2019 và 2020; hợp tác với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức Hội thảo quốc gia thường niên về Chính phủ điện; phối hợp với Cục Tin học hóa tổ chức buổi tọa đàm “Phát triển Chính phủ điện tử - Đánh giá kết quả và chia sẻ bài học kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử của các Bộ, ngành và địa phương năm 2018.
Đồng thời, Hội đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa cho các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển công nghiệp ICT (Make in Vietnam) như: Hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số - Kinh nghiệm quốc tế và góp ý cho xây dựng pháp luật đối với Việt Nam”; các hội thảo chuyên đề Industry 4.0 Summit 2019, Techfest 2019; đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; dự án đào tạo Digital Skills “Digital Bus Tour” tại 53 tỉnh/thành phố; triển khai các hoạt động nghiên cứu với nhiều chủ để khác nhau và hơn thế nữa.
VDCA đã đăng cai và giữ vai trò chủ trì tổ chức Diễn đàn đối tác Dữ liệu mở Châu Á (16/11/2021) - lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Diễn đàn này đã tạo tiền đề để hợp tác liên quốc gia để thúc đẩy chính sách dữ liệu mở trong khu vực châu Á, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, trao đổi với các doanh nghiệp công nghệ của các quốc gia khác.
Ngoài ra còn có các tọa đàm về: Kinh tế báo chí ở Việt Nam; Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên Internet; Dữ liệu cá nhân xuyên biên giới; Thực tiễn thực hành tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số tại Việt Nam.
Hưởng ứng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức
Hội đã tích cực tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức với hoạt động nòng cốt là Tạp chí điện tử VietTimes, tích cực tham gia tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ngành Thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh những hoạt động về công nghệ, Hội đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các nội dung dư luận quan tâm như: chuyển đổi số, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo; các chuyên đề về giáo dục, sách giáo khoa; vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, hòa giải dân tộc; báo chí trong kỷ nguyên mạng xã hội, cách phòng, chống tin giả, tin xấu độc (fake news)…
Dưới bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19 từ năm 2020, Hội đã tích cực tham gia thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh: Chương trình “Văn hóa doanh nghiệp chung tay phòng, chống dịch Covid-19” với chủ đề “Vì Việt Nam khỏe mạnh”; Dự án “Việc làm trao tay, đánh bay Covid-19”; phối hợp cùng Tiktok Việt Nam trong chương trình truyền thông phòng chống dịch; các hội thảo chuyên đề về dịch bệnh Covid-19, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các vấn đề đặt ra để phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
Nhiệm kỳ vừa qua, Hội luôn chú trọng tới hoạt động đào tạo, hỗ trợ hội viên nâng cao trình độ nghiệp vụ bằng nhiều hình thức khác nhau như mở các lớp bồi dưỡng, chuyên và các khóa học: Khóa đào tạo Kỹ năng quản lý hiệu quả cho HABECO; tổ chức Đoàn tham quan khảo sát học hỏi kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Nhật Bản; khóa đào tạo hỗ trợ cho khởi nghiệp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; khóa Đào tạo tổng quan về mô hình và quản lý tài chính của công ty TNHH Một thành viên.
Hội đã tích cực tham gia thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong khuôn khổ Dự án đào tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV”. Từ năm 2017 đến 2022, với sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đã tổ chức chuỗi khoá đào tạo về quản trị doanh nghiệp và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông số.
Các chương trình đào tạo của Hội tổ chức đã mang đến nhiều giá trị cho người thụ hưởng và đều được nhận xét, đánh giá tốt và chất lượng từ chính các cá nhân, doanh nghiệp theo học. Qua đó mang lại lợi ích thực tế và góp phần tạo sự biến đổi tích cực cho doanh nghiệp.
Tổ chức Giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam”
Giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” của Hội được tổ chức thường niên hàng năm kể từ năm 2018 đến nay. Giải thưởng đã thu hút được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia với số lượng ngày càng tăng qua từng năm và nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan nhà nước
Giải thưởng đã tích cực góp phần cổ vũ, động viên, khích lệ các cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng góp vào công cuộc xây dựng Chính phủ số, sự phát triển nền kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam. Công tác tổ chức giải được thực hiện bài bản, nghiêm túc, đúng quy định.