Theo đó, giá vàng miếng SJC trong sáng nay đã đồng loạt tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều tại các đơn vị kinh doanh vàng như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn DOJI. Sau điều chỉnh, giá vàng miếng SJC được giao dịch trong vùng giá 85,3 – 87,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giữa giá mua và giá bán được giữ ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý mặc dù có mức tăng mạnh hơn đến 700 nghìn đồng/lượng với vàng miếng SJC nhưng mức giá sau điều chỉnh vẫn ở ngưỡng tương đương các đơn vị khác là 85,3 – 87,3 triệu đồng/lượng ở lần lượt hai chiều mua vào và bán ra.
Tương tự vàng miếng, giá vàng nhẫn cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng với mức tăng từ 200 đến 300 nghìn đồng/lượng. Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), vàng nhẫn 99,99 loại 1-5 chỉ hiện được niêm yết ở mức giá 85 – 86,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức giá này đã tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào bán ra so với kết phiên hôm qua.
Tại Tập đoàn DOJI, vàng nhẫn tròn Hưng Thịnh Vượng 9999 được niêm yết ở mức giá 85,3 – 86,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức tăng ở cả hai chiều so với kết phiên hôm qua là 300 nghìn đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn hiệu vàng Rồng Thăng Long ở mức 85,75 – 87,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với thời điểm kết phiên hôm qua.
Vàng nhẫn Phú Quý 999.9 tại Tập đoàn Phú Quý có mức tăng giá thấp nhất là 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều lên 85,3 – 86,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng quốc tế, giá vàng thế giới trong sáng nay biến động quanh vùng 2.714,8 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng thế giới hiện có giá trị 83,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 3,6 triệu đồng/lượng.
Vào cuối phiên giao dịch trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh, dao động quanh ngưỡng 4,615%, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 4,79% được ghi nhận vào hôm thứ Hai – mức cao nhất trong hơn một năm qua.
Cùng thời điểm, chỉ số Dollar Index – thước đo sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác cũng hạ xuống dưới mốc 109 điểm khi kết phiên, từ mức trên 109 điểm của phiên trước. Đầu tuần, chỉ số này đã vượt ngưỡng 109,6 điểm, chạm mức cao nhất trong hơn hai năm.
Sự giảm tốc đồng loạt của lợi suất trái phiếu và tỷ giá USD bắt đầu từ hôm thứ Ba khi hàng loạt báo cáo kinh tế quan trọng tại Mỹ bao gồm lạm phát, bán lẻ và việc làm đều cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh thu bán lẻ tháng 12 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, thấp hơn dự báo tăng 0,6% của các chuyên gia. Cùng lúc, Bộ Lao động Mỹ báo cáo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua là 217.000 người, vượt nhẹ so với kỳ vọng 210.000 người.
Trước đó, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) công bố hôm thứ Ba và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Tư cũng cho thấy lạm phát tháng 12 thấp hơn dự đoán, củng cố kỳ vọng rằng áp lực giá cả đang dần được kiểm soát.
Những dữ liệu này giúp xoa dịu lo ngại về lãi suất của thị trường. Trước đây, giới đầu tư từng lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ nguyên hoặc thậm chí tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Hiện tại, các dự báo nghiêng về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất từ 1-2 lần trong năm 2025, mặc dù khả năng điều chỉnh trong nửa đầu năm được đánh giá là rất thấp.
Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/1, và thị trường đang theo dõi sát sao các tín hiệu mới từ cơ quan này.