Tỷ lệ các cổ phiếu có giá nằm trên MA50 đang ở mức thấp nhất sự kiện biển Đông năm 2014

Hà Linh | 09:23 10/10/2022

Chỉ số VN-Index còn chưa về mức trước đại dịch Covid nhưng một số cổ phiếu đã giảm về mức đáy Covid, MBS cho rằng nhà đầu tư có thể xem xét cho cơ hội đầu tư trung và dài hạn nếu các cổ phiếu này có nền cơ bản.

Tỷ lệ các cổ phiếu có giá nằm trên MA50 đang ở mức thấp nhất sự kiện biển Đông năm 2014

Trái với sự hồi phục của một số thị trường Châu Á, chứng khoán Việt Nam lại giảm mạnh nhất thế giới trong tuần vừa qua và nối dài chuỗi ngày ảm đạm lên 6 tuần liên tiếp. Đà giảm gần đây đã khiền nhiều cổ phiếu xuyên qua cả đáy hồi covid. Giao dịch cũng rất ảm đạm với thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HoSE giảm 10% còn 10.460 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường tuần qua cũng sụt 11% xuống 11.900 tỷ đồng.

Trong bối cảnh điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, xu hướng lãi suất tăng kéo theo lãi suất margin cũng tăng đang làm dòng tiền vào kênh chứng khoán giảm rõ rệt. Theo thống kê, mức thanh khoản bình quân toàn thị trường đang ở sát mức thấp nhất kể từ đầu năm, giảm hơn 1/2 so với hồi đầu năm và chỉ còn 1/3 so với đỉnh.

MBS cho rằng, việc chỉ số VN-Index nằm trong top các chỉ số giảm mạnh nhất toàn cầu và khối ngoại chuyển từ mua ròng sang bán ròng đang khiến dòng vốn dài hạn thận trọng và co lại, trong khi đó dòng vốn đầu cơ nhiều khả năng cũng khó có khả năng trở lại ít nhất là từ nay đến cuối năm.

thanh-khoan.jpg

Ở thời điểm hiện tại, không còn nhóm cổ phiếu nào theo ghi nhận của MBS đi ngược thị trường kể từ đầu năm. Một số nhóm cổ phiếu thậm chí có mức giảm mạnh hơn so với chỉ số VN-Index như: chứng khoán (-60%), khai thác đá (-50,7%), vật liệu xây dựng (-45,8%), BĐS KCN (-43,5%), BĐS thương mại (-43%),… Đáng chú ý, trong khi chỉ số VN-Index đang xuống gần vùng giá trước nhịp giảm hồi covid (khu cực 1.000 điểm), một số cổ phiếu đã về mức đáy covid, tức giảm về vùng VN-Index ở 660 điểm (theo giá đóng cửa).

Thị trường đang ở giai đoạn khó khăn khi các thông tin cả trong và ngoài nước đều đang bất lợi. Theo MBS, việc hàng trăm cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn như trong phiên cuối tuần vừa qua cũng cho thấy đây đang là giai đoạn khó khăn, tâm lý nhà đầu tư bị đẩy đến trạng thái “cùng cực”. Do vậy, cần có nhịp nghỉ hoặc vùng cân bằng mới để thị trường kết thúc nhịp giảm vừa qua.

Điểm tích cực là đã có dòng tiền vào bắt đáy trong 2 phiên cuối tuần trước, tuy vậy đây khả năng là dòng tiền dài hạn, chiến lược mua gom trong khoảng thời gian dài chứ không phải dòng tiền đầu cơ. Trong trường hợp tốc độ giảm điểm của VN-Index có quán tính chậm lại (hoặc hồi kỹ thuật) mà thanh khoản gia tăng thì khả năng thị trường chuẩn bị về tới vùng cân bằng giữa cung và cầu, đó sẽ là tín hiệu kỹ thuật đầu tiên nhà đầu tư cần lưu ý.

bien-dong-theo-nhom-nganh.jpg

Về mặt kỹ thuật, sau nhịp giảm sâu và nhanh trong 2 tuần gần đây, chỉ số VN-Index đang tiến về vùng hỗ trợ 1.000 điểm, vùng hỗ trợ Fibonacci 61,8% và cũng là vùng đỉnh của thị trường năm 2019 và trước đại dịch Covid. Sau chuỗi giảm 6 tuần liên tiếp và 2 phiên cuối tuần vừa qua, hiện chỉ số chưa có dấu hiệu tạo vùng cân bằng trong nhịp giảm vừa qua, các ngưỡng hỗ trợ dễ dàng bị xuyên thủng.

Các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục đi vào vùng quá bán, so với với các mức đáy ở các lần giảm trước, đà giảm của thị trường đợt này có quán tính mạnh hơn. Tỷ lệ phần trăm các cổ phiếu có giá nằm trên MA50 đang ở mức thấp nhất kể từ sự kiện biển đông năm 2014, đáy Covid và đáy của đợt giảm trong tháng 5 vừa qua.

Tín hiệu kỹ thuật tích cực lúc này là việc chỉ số VN-Index có thể tạo một phân kỳ so với các chỉ báo như RSI và thị trường có thể có vùng cân bằng mới trong nhịp giảm vừa qua. Kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật đang ở vùng quá bán, thị trường có thể về ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 61,8% ở khu vực 987,2 điểm.

kich-ban.jpg

Trong kịch bản lạc quan, nếu chỉ số VN-Index lấy lại được mốc 1.050 điểm, có thể kích hoạt thêm dòng tiền đổ thêm vào thị trường và hướng đến 1.150 điểm. Trong kịch bản cơ bản, khả năng chỉ số VN-Index vẫn sẽ chịu áp lực bán mạnh ngay đầu tuần và kiểm nghiệm hỗ trợ mạnh quanh mốc 1.000 điểm với vùng dao động rộng quanh mức 980 – 1.035 điểm. Kịch bản thận trọng sẽ được kích hoạt trong trường hợp VN-Index giảm xuyên vùng hỗ trợ 950 điểm khả năng sẽ rơi vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn xuống những vùng hỗ trợ thấp hơn từ 900 – 950 điểm.

MBS cho rằng cơ hội đầu tư ngắn hạn rất khó trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên giảm tần suất “trading”, co gọn danh mục cổ phiếu ở tỷ trọng thấp, nên chờ đợi tín hiệu cân bằng hơn từ thị trường để tìm cơ hội giải ngân trở lại. Chỉ số VN-Index còn chưa về mức trước đại dịch Covid nhưng một số cổ phiếu đã giảm về mức đáy Covid, nhà đầu tư có thể xem xét cho cơ hội đầu tư trung và dài hạn nếu các cổ phiếu này có nền cơ bản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tỷ lệ các cổ phiếu có giá nằm trên MA50 đang ở mức thấp nhất sự kiện biển Đông năm 2014
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO