Nội dung chính
- - Tiền mã hóa (crypto) không thay thế mà khiến nền tài chính truyền thống vận hành hiệu quả hơn.
- - Loại tiền số neo giá với tiền định danh (fiat-backed stablecoin) sẽ chiếm ưu thế về độ tin cậy và tìm được chỗ đứng trong nghiệp vụ thanh toán; các thiết kế stablecoin khác sẽ dần bị loại bỏ.
- - Ngân hàng truyền thống sẽ áp đảo những nhà phát hành khác trên thị trường stablecoin; trong khi các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục theo đuổi tiền số quốc gia (CBDC).
Với ưu điểm là hỗ trợ chuyển tiền nhanh và chi phí thấp, công nghệ blockchain nói chung và lĩnh vực crypto nói riêng sẽ tiếp tục được xem xét ứng dụng vào lĩnh vực thanh toán trong những năm tới.
Xét nhiều khía cạnh, stablecoin (là loại tiền số neo giá vào các tài sản khác như các loại tiền hay hàng hóa khác) có nhiều công dụng và có khả năng đáp ứng được yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt của chính phủ, cũng như dễ dàng được người dùng chấp nhận hơn so với các loại tiền số khác.
Mặt khác, các chuyển động trong quy định pháp lý khiến nhóm người chơi ngày càng có lợi thế trong lĩnh vực crypto chính là các tổ chức tài chính được quản lý – tức là các ngân hàng.
Các ngân hàng đã kịp thâu tóm hoặc “thẩm thấu” công nghệ của nhiều công ty fintech, tích hợp được lợi ích của công nghệ chuỗi khối để phục vụ khách hàng. Thay vì “làm nổ tung” hệ thống tài chính truyền thống, tiền điện tử đang làm cho các tổ chức cũ vận hành hiệu quả hơn đáng kể.
Dựa trên xu hướng tham gia của các ngân hàng thương mại trong phát hành stablecoin và ngân hàng trung ương đối với ứng dụng tiền số quốc gia (CBDC), có ba dự đoán như sau về tương lai của tiền số:
*Ba dự đoán dưới đây về tương tai của tiền số là ý kiến của Chris Hayes, chuyên gia tư vấn công nghệ blockchain/web3 và Chris Ostrowski giám đốc điều hành công ty tài chính SODA. Bài viết trích từ tạp chí “Policy week” - CoinDesk.
- 1. Những loại stablecoin được neo giá với tiền định danh (fiat-backed stablecoin) sẽ chiếm lĩnh thị trường, trở thành tiền tệ trong giao dịch, trong khi các thiết kế stablecoin khác dần bị loại bỏ
Stablecoin do tư nhân phát hành hiện có hai loại: một loại được neo giá với tiền định danh (fiat-backed stablecoin), còn một loại thì không. Cả hai loại đều chưa được luật pháp điều chỉnh, ngoại trừ ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh.
Loại thứ hai, thuần túy sử dụng thuật toán để tự điều chỉnh neo với một loại tiền số khác chẳng hạn như BTC, ETH, USDC hay USDT. Loại này gọi là stablecoin thuật toán và chứa đựng nhiều rủi ro.
Sự sụp đổ của terra USD, hay Titan/Iron có tác động đáng kể đến thị trường stablecoin toàn cầu, đặc biệt là làm lung lay niềm tin vào loại stablecoin không neo giá với tiền định danh. Chúng cũng đối mặt với quy định pháp lý về thanh khoản.
Các fiat-backed stablecoin cũng bị đặt dưới con mắt “cú vọ” của các cơ quan chức năng. Tuy vậy, hệ thống của chúng có vẻ tương đối dễ hiểu, và cũng chỉ có các rủi ro thông thường như xác minh tài sản thế chấp hỗ trợ các stablecoin này. Các cơ quan quản lý vẫn có thể quy định và triển khai chế tài.
Do đó, khuôn khổ pháp lý mới đây ở Mỹ và châu Âu cho thấy trong tương lai các stablecoin thuật toán rất khó tồn tại và ứng dụng trong thanh toán, bao gồm các khoản kiều hối từ các nước phát triển sang nước đang phát triển.
Quy định mới về Thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA) ở EU khiến cho stablecoin không được neo giá với đồng euro không thể mua bán trên thị trường, nếu không có khoản dự trữ đáng kể có thể kiểm toán được nằm trong tài khoản ngân hàng truyền thống.
Mặc dù cũng có cách để lách quy định này, nhưng các tổ chức phát hành stablecoin thuật toán sẽ phải cạnh tranh với những người chơi có thể hoạt động trong khuôn khổ và khiến người dùng an tâm.
Tương tự, năm ngoái Mỹ cũng thảo luận một dự luật về stablecoin, trong đó tất cả stablecoin thuật toán sẽ không được phát hành mới cho đến khi có báo cáo liên quan cuối cùng của Bộ Tài chính. Có khả năng Fed sẽ khuyến nghị người dân hạn chế sử dụng stablecoin cho đến khi có kết luận cụ thể.
- 2. Mỹ và châu Âu tiếp tục xem xét cẩn trọng dùng tiền số quốc gia (CBDC) trong thanh toán cá nhân, trong khi CBDC để thanh toán liên ngân hàng hoặc giữa các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục phát triển
Việc Trung Quốc quyết tâm theo đuổi đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-yuan), là nguyên nhân gây lo ngại cho các ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu.
Dù khó đánh giá được tính hiệu quả và công dụng của e-yuan, sự tồn tại của nó đã là thách thức chưa thể xác định với trật tự tiền tệ thế giới hiện tại.
Các quốc gia khác, bao gồm Bahamas, Nigeria và Jamaica, đã theo chân Trung Quốc khi tung ra CBDC dùng trong thanh toán cá nhân (retail CBDC), các nước này vẫn gặp rào cản là người dân không chấp nhận sử dụng.
Lẽ tất nhiên, nếu không có lợi ích rõ ràng, người dân sẽ tiếp tục sử dụng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngân hàng, ở cả nước phát triển lẫn đang phát triển.
Chủ đề thảo luận chính sách xung quanh CBDC sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các vấn đề mang tính chính trị như quyền riêng tư, tính ẩn danh, an ninh mạng và sự kiểm soát của chính phủ.
Một số ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục âm thầm xem xét cách thức bảo vệ tiền tệ của mình khỏi sự đe dọa trong tương lai của e-yuan.
Trong khi đó, các tổ chức tư nhân lớn trong lĩnh vực tiền số và các Big Tech sẽ cho ra đời token riêng của họ nhằm phục vụ thanh toán.
Có thể, 2023 sẽ là năm công chúng được thử nghiệm sử dụng tiền số nhiều hơn. Môi trường pháp lý khiến các ngân hàng truyền thống ít sẵn lòng trở thành nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử cho ngân hàng trung ương. Điều này khiến việc phổ biến retail CBDC ở Mỹ và châu Âu trở nên khó khăn.
Mặt khác, CBDC tổng (wholesale CBDC - dùng để thanh toán liên ngân hàng hoặc giữa các ngân hàng trung ương) vẫn kỳ vọng nắm vai trò quan trọng, cung cấp dịch vụ thanh toán giao dịch khối lượng lớn dựa trên công nghệ blockchain giữa các ngân hàng trung ương và thể chế tài chính ở bất kỳ quốc gia nào.
CBDC tổng được kỳ vọng nhiều trở thành giải pháp thanh toán xuyên biên giới vào năm 2023, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có lẽ sẽ đi đầu trong việc này.
Một nền tảng CBDC tổng toàn cầu trải dài khắp Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Á có thể cách mạng hóa ngành ngân hàng và mang lại vai trò đổi mới cho các stablecoin do các tổ chức ngân hàng truyền thống phát hành, miễn là có sự phối hợp quốc tế về quy định.
- 3. Một khi các nước phát triển xây dựng được nền tảng pháp lý liên quan vững chắc, các ngân hàng truyền thống sẽ chiếm lĩnh thị trường stablecoin
Với áp lực pháp lý ngày càng tăng đối với các loại stablecoin neo giá với tiền pháp định, tiềm năng phát triển của CBDC tổng ở Mỹ và châu Âu, cũng như việc nhà đầu tư tìm đến tiền số để tạm trú số tài sản của mình, thời cơ đã chín muồi để các ngân hàng truyền thống thống trị thị trường stablecoin.
Họ có lợi thế hơn khi, xét về tính pháp lý và tuân thủ hiện tại, lại có thể nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý ngân hàng nếu theo đuổi kinh doanh stablecoin.
Ngoài ra, với danh sách khách hàng bán lẻ của mình, các ngân hàng đã có sẵn tệp người dùng cho stablecoin.
Nhờ lợi thế về pháp lý và nền tảng hiện có, các ngân hàng triển khai stablecoin sẽ tốn ít chi phí đầu tư và thu hút khách hàng hơn so với các fintech mới như Circle, nhà phát hành đồng USDC.
Họ còn có động lực tăng doanh thu nhờ tận dụng công nghệ blockchain để tiết kiệm chi phí thanh toán, thay vì thông qua các truyền thống như Visa và Mastercard.