Thật dễ dàng để bạn bắt gặp ở đâu đó một vài câu chuyện chia sẻ về cách quản lý tài chính thật hiệu quả. Và ngày càng có nhiều người để ý đến chuyện kiểm soát chi tiêu và tiết kiệm tiền.
Tuy nhiên, trước khi học được cách quản lý tài chính, hầu hết mọi người đều mắc những sai lầm tiêu tiền trong quá khứ, dù ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tư duy về tiền bạc của họ sau này. Chị Thoa (SN 1984) là một nhân viên văn phòng trong công ty kinh doanh về lĩnh vực vệ sinh công nghệ tại TP. HCM là ví dụ. Hiện, cô đang sống cùng chồng và 2 con (1 bé học lớp 5 và 1 bé học lớp 2).
Mua đồ theo cảm xúc, lạm dụng thẻ tín dụng
Khi mới bước vào cuộc sống hôn nhân, Thoa mắc không ít sai lầm trong quản lý chi tiêu, tiết kiệm cho tương lai. Bên cạnh đó, Thoa còn từng lạm dụng thẻ tín dụng nên càng không tiếc vung tay cho những đợt mua sắm lớn, bất chấp ngân sách cá nhân còn nhiều hay ít.
Cô nhớ lại: “Trước kia mình tiêu hoang phí lắm, thường tiêu tiền theo cảm xúc, thích là mua. Mỗi tháng, mình thường mua quá tay quần áo, giày dép túi xách… Tuy nhiên, có nhiều cái mình mua về nhưng không mặc, hoặc chỉ dùng 1-2 lần rồi bỏ đó. Tủ quần áo thì nhiều mà luôn có suy nghĩ lúc nào cũng không đủ đồ mặc.
Mình cũng thường hay lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… để lướt xem có gì hay ho không thì mua về dùng. Những ngày sale của nền tảng này, mình cũng mua đồ về nhưng lại không có cơ hội dùng đến, vì chúng đâu cần thiết cho gia đình. Thêm nữa, mình còn xài thẻ tín dụng quá mức. Về sau này, mình nhận ra từ hình thức thanh toán ‘chi tiêu trước trả nợ sau’ đã khiến bản thân có nhiều khoản nợ nên quyết tâm không dùng đến thẻ tín dụng.”
Bởi thói quen chi tiêu cho cảm xúc, thế nên có nhiều món đồ Thoa mua về nhưng lại ngậm ngùi tiếc nuối, tự dặn bản thân lần sau không được tiêu tiền phung phí nữa.
“Nói về chuyện tiêu tiền ‘vô ích’ thì mình có khá nhiều. Chẳng hạn mình mua cái bàn ủi hơi nước thật xịn mà về nhà chỉ dùng được đúng 1 lần. Bởi chất lượng sản phẩm không được như mong đợi và bản thân không có nhu cầu xài đến. Mỗi lần đi đám cưới là đổi một bộ váy, quá tốn kém cho khoản quần áo… Ngoài ra, có những món đồ linh tinh chẳng hạn như mua máy xay sinh tố, mình không dùng đến lại phải mang đi tặng cho gọn nhà".
Mãi cho đến sau này, khi Thoa thật sự nghiêm túc hơn trong quản lý chi tiêu và suy tính cho tương lai, cô mới dừng lại được những pha “chốt đơn" vô ích.
“Sự kiện khiến mình thay đổi quản lý chi tiêu là sau một lần kiểm tra lịch sử mua sắm trên app. Nếu cộng thêm tiền mua đồ bên ngoài cửa hàng và trung tâm thương mại, tính ra mình tiêu hoang phí mất 5-6 triệu đồng chỉ trong 1 tháng.
Sau này, mình quyết định thay đổi cách quản lý tài chính và tiết kiệm hơn để có thể tích góp tiền mua nhà. Con cái ngày càng lớn, mỗi đứa cần phòng riêng trong khi nhà mình lại nhỏ. Mình tự nhủ: Giờ phải quyết tâm thay đổi chi tiêu thì tuy hơi muộn, nhưng không sao. Mình sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu tài chính trong 3 năm tới", Thoa bày tỏ.
Tháng nào cũng đều đặn có tiền tiết kiệm và mua vàng
Sau khi nhận thức cần thay đổi cách quản lý tài chính và tiết kiệm tiền hơn, Thoa bắt bản thân phải tuân theo các nguyên tắc sau:
- Thứ nhất, từ bỏ thẻ tín dụng để hạn chế những lần mua sắm phung phí
- Thứ hai, phân chia thu nhập thành từng mục đích rõ ràng
Sau khi nhận lương, Thoa luôn trích một khoản tiền vào quỹ tiết kiệm đầu tiên, tương ứng 30% thu nhập. Bên cạnh đó, cô còn dùng một khoản tiền để mua vàng và đóng vào quỹ bảo hiểm nhân thọ.
Số tiền còn lại cô không để trong thẻ mà rút tiền mặt phân chia vào sổ chi phí sinh hoạt hàng tháng, được phân ra thành từng ngăn tương ứng với các khoản tiêu dùng như mua đồ ăn, quỹ đóng học cho con…
- Thứ ba, cắt giảm các khoản chi tiêu phung phí
Thoa cho hay: “Hiện tại, chi phí sinh hoạt của mình tầm khoảng hơn 12 triệu đồng/tháng. Mình dành 500 ngàn đồng đóng tiền điện nước, 0 đồng tiền thuê nhà vì mình có nhà rồi. Ngoài ra, mình chi 6 triệu đồng cho tiền ăn, 5 triệu đồng đóng học phí cho 2 con, 500 ngàn đồng cho tiền xăng xe đi lại...”.
Cô cho biết so với trước đây, chi phí sinh hoạt cố định của gia đình vẫn như cũ, tuy nhiên nhờ cắt giảm các khoản chi tiêu phung phí thì gia đình Thoa mới có thể dành được nhiều tiền tiết kiệm.
Đơn cử như trong câu chuyện mua đồ ăn, Thoa đã giảm mua sắm trong siêu thị và đồ ăn vặt, đồng thời tập trung nấu ăn tại nhà. Nhờ đó, gia đình cô tiết kiệm được 1-1,5 triệu đồng/tháng tiền ăn uống so với thời gian trước đây.
Thoa nói thêm về một số mẹo để gia đình cô tiết kiệm được nhiều hơn. "Thứ nhất, mình thường đi chợ 1 lần/tuần để mua đồ ăn cho cả tuần. Thứ hai, trước khi đi siêu thị để mua đồ ăn/đồ dùng cho gia đình, mình sẽ lên danh sách những món đồ cần mua. Như thế, mình chỉ mua những món thực sự cần, chứ không mua đồ theo sở thích như trước nữa. Đồng thời, mình mua đồ chỉ bám theo danh sách đã liệt kê tại nhà, chứ không di chuyển sang các gian hàng khác như trước", Thoa nói.
- Thứ tư, luôn có khoản tiền để tích lũy cho tương lai
Sau khi đã có mục tiêu mua nhà mới thì việc phải có riêng một quỹ tiết kiệm hàng tháng, đều đặn mua tài sản tích lũy như vàng và bảo hiểm rất quan trọng với gia đình Thoa.
“Mình thường dành 5 triệu đồng để mua vàng hàng tháng. Còn về bảo hiểm, mình đã mua 2 gói bảo hiểm cho vợ chồng. Mỗi năm mình cần đóng 55 triệu đồng tiền bảo hiểm. Và hiện tại, mình nhét tiền vào heo mỗi ngày sau đó cuối năm tổng kết lại thì cầm đi đóng tiền bảo hiểm cho đỡ ‘ngán’ phải chi liền một cục.
Với mình, khoản tiền tiết kiệm rất quan trọng. Vì mình quan điểm, ‘kiến tha lâu cũng đầy tổ’. Do đó, mình chấp nhận mua ít vàng hơn nhưng tháng nào cũng phải để riêng được một khoản tiết kiệm và kiên quyết không đụng tới khoản tiền này. Nếu có thu nhập thụ động thì mình sẽ không tiêu xài mà để riêng ra, nhét heo tiết kiệm và định kỳ cuối quý sẽ đập heo mua vàng", Nguyễn Thoa bày tỏ.