Từng là 'ông trùm' TV toàn cầu, LG, Sony giờ đây 'không có cửa' so doanh số với nhà sản xuất Trung Quốc này

Đức Nam | 08:49 02/03/2023

TV Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu.

Từng là 'ông trùm' TV toàn cầu, LG, Sony giờ đây 'không có cửa' so doanh số với nhà sản xuất Trung Quốc này

TCL, một công ty thiết bị gia dụng Trung Quốc, đã vượt mặt LG Electronics để xếp thứ 2 về doanh số bán TV toàn cầu trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên TCL đứng thứ 2 trong danh sách các nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới.

Sự cạnh tranh trên thị trường TV dự kiến sẽ thêm mạnh mẽ khi các hãng sản xuất Trung Quốc đang vươn lên, đối đầu các nhà sản xuất truyền thống của Hàn Quốc.

3 hãng sản xuất TV đứng đầu thị phần toàn cầu trong năm 2022 chính là Samsung với 19,6% thị phần, TCL – 11,7% và LG Electronics – 11,69%, theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường Omdia. Khoảng cách về doanh số giữa TCL và LG chỉ chưa đến 30.000 sản phẩm. HiSense (10,5) và Xiaomi (6,2%) lần lượt xếp thứ 4 và 5. Như vậy, 3 trong số 5 nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc.

Tổng mức thị phần của TCL, HiSense và Xiaomi đạt 28,4%, vượt khá xa so với Samsung Electronics, chiếm hơn 1/4 tổng lượng TV bán ra toàn cầu. Sony, hãng sản xuất danh tiếng của Nhật Bản chỉ xếp thứ 7 trong danh sách này.

TCL bắt đầu vượt mặt LG kể từ quý III/2022. Khi đó, thị phần của hãng đạt mốc 12,6%, lần đầu tiên vượt qua LG (11,5%). Đến quý IV, TCL (11,8%) tiếp tục đứng thứ 2, HiSense (11,6%) đứng thứ 3 trong khi LG (11%) tụt xuống vị trí thứ 4.

Sự phát triển mạnh mẽ của các hãng TV Trung Quốc đến vào thời điểm thị trường TV toàn cầu sụt giảm. Năm ngoái, tổng lượng TV bán ra trên toàn cầu đạt 203,26 triệu chiếc, giảm 4,8% so với mức 213,54 triệu chiếc của năm 2020. Doanh số giảm do nhu cầu đi xuống, những người trong ngành cho biết.

Doanh số bán hàng tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ giảm rõ rệt trong khi tăng lên ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nam Mỹ và châu Phi. Điều này lý giải cho sự tăng trưởng của TV Trung Quốc bởi tại các thị trường này, các mẫu TV giá thấp và trung bình được ưa chuộng hơn.

Tại Trung Quốc, các hãng sản xuất TV nội địa cũng chiếm ưu thế hoàn toàn. HiSense nắm giữa 21% thị phần, Xiaomi là 20,3%, TCL 15,7%. Samsung và LG chỉ nắm giữ lần lượt 1,1 và 0,3% thị phần.

Một số nhà phân tích cho biết sự khác biệt trong chiến lược nhằm giảm hàng tồn kho của các nhà sản xuất TV Hàn Quốc và Trung Quốc đã ảnh hưởng đến thị phần của họ.

Báo cáo của Omdia dựa trên lượng hàng các nhà sản xuất TV cung cấp cho cửa hàng, chứ không phải doanh số bán TV cho người dùng cuối, theo trang Business Korea. Năm 2022, các nhà sản xuất TV Hàn Quốc đã điều chỉnh lượng hàng gửi đến các cửa hàng để giảm bớt tồn kho trong khi các công ty Trung Quốc, với đặc thù là thị phần áp đảo tại quê nhà, thường đẩy một lượng lớn sản phẩm đến cửa hàng, dẫn đến tồn kho cao.

Mặc dù gia tăng mạnh về thị phần, doanh thu từ ngành hàng TV của các hãng Trung Quốc vẫn thua khá xa so với đối thủ từ Hàn Quốc. Tổng mức thị phần doanh thu của Samsung (29,7%) và LG (16,7%) đã vượt quá 46%. TCL ở vị trí thứ 3 chỉ đạt 9,4% thị phần doanh thu.

Điều này dễ lý giải bởi các hãng TV Hàn Quốc đang thống trị phân khúc TV cao cấp trong khi TV Trung Quốc chủ yếu tập trung ở phân khúc trung và thấp cấp.


(0) Bình luận
Từng là 'ông trùm' TV toàn cầu, LG, Sony giờ đây 'không có cửa' so doanh số với nhà sản xuất Trung Quốc này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO