Cánh chim đầu ngành xây dựng Việt Nam
Tổng CTCP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam Vinaconex (mã chứng khoán VCG) được thành lập vào năm 1988, tiền thân là công ty Dịch vụ và Xây dựng Nước ngoài. Vinaconex là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng Việt Nam. Doanh nghiệp này đã tham gia trực tiếp vào các dự án trọng điểm như: Tòa nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai...
Năm 2006, công ty chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức Tổng công ty cổ phần, tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con, hoạt động đa doanh trong lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản và đầu tư. Vào cuối năm 2018, Nhà nước đã thực hiện thoái toàn bộ vốn tại Vinaconex.
Hiện tại, Pacific Holdings (đơn vị có liên quan cả cựu Chủ tịch HĐQT - ông Đào Ngọc Thanh và Tổng Giám đốc hiện tại - ông Nguyễn Xuân Đông) là cổ đông lớn nhất của Vinaconex với tỷ lệ nắm giữ hơn 45%, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 6%.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính năm 2024, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.176 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ) được đóng góp chủ yếu bởi mảng xây lắp nhờ việc thi công nhiều dự án hạ tầng lớn.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng trưởng mạnh, đạt 926 tỷ đồng (tăng 139% svck) nhờ biên lợi nhuận gộp tăng từ 9,3% lên 15,3% đến từ sự cải thiện biên lợi nhuận gộp của mảng xây lắp và chi phí lãi vay giảm đáng kể (giảm 48% svck).
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 công ty mẹ, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.596 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 2.656 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 34% xuống mức gần 47 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng cũng giảm từ mức 24,6 tỷ đồng xuống còn 20 tỷ đồng. Tổng chung, trong quý 1 vừa qua, doanh nghiệp này đạt lợi nhuận sau thuế là 151,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 482,6 tỷ đồng của năm 2024.
Được hưởng lợi lớn nhờ đầu tư công
Vinaconex hiện có 3 mảng kinh doanh chính là Xây lắp, Bất động sản và Đầu tư tài chính (giáo dục, năng lượng và nước).
Theo báo cáo vừa công bố của Công ty chứng khoán ACB (ACBS), mảng xây lắp của doanh nghiệp này sẽ được hưởng lợi nhờ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công.
Tính đến cuối năm 2024, giá trị trúng thầu chưa ghi nhận doanh thu (backlog) của Vinaconex đạt hơn 25.000 tỷ đồng, gấp 2,7 lần doanh thu xây lắp năm 2024. Dự kiến mảng này tiếp tục là nguồn đóng góp chính cho kết quả kinh doanh năm 2025 -
"Năm 2025, nhờ Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nên chúng tôi ước tính giá trị hợp đồng ký mới của Vinaconex dự kiến sẽ đạt hơn 12.000 tỷ đồng (tăng 3,4% so với cùng kỳ) và giá trị backlog sẽ hơn 28.000 tỷ đồng (tăng 12% svck). Qua đó, chúng tôi ước tính năm 2025, Vinaconex có thể ghi nhận được 10.387 tỷ đồng (tăng 12% svck) doanh thu và 415 tỷ đồng (tăng 30,4% svck) lợi nhuận gộp từ mảng xây lắp", báo cáo của ACBS nhận định.

Mảng bất động sản, được kỳ vọng tăng trưởng từ các dự án trọng điểm. Dự án Đại Lộ Hòa Bình (48,8 ha) và Vinaconex Móng Cái (43,9ha) và trung tâm thương mại Chợ Mơ (1,5ha) sẽ là các dự án đóng góp chính vào kết quả kinh doanh mảng bất động sản 2025.
Đặc biệt, sau khi tái khởi động lại dự án bất động sản nghỉ dưỡng Amatina, Vinaconex đang có kế hoạch mở bán dự án này trong năm 2025 (có thể là bản buôn dự án). Theo nhận định của ACBS, nếu thành công, dự án này có thể đem về lợi nhuận hơn 1.500 tỷ đồng, qua đó sẽ hỗ trợ về mặt dòng tiền cho công ty vì đây là dự án lớn nhất mà Vinaconex đã đầu tư trong thời gian dài (tính đến cuối 2024, Vinaconex đã đầu tư hơn 7.700 tỷ đồng, tương đương 26% tổng tài sản).
Đầu tư tài chính được đánh giá là sẽ tiếp tục tạo dòng tiền ổn định cho Vinaconex. Vinaconex đã duy trì doanh thu ổn định khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm từ hoạt động đầu tư tài chính trong 7 năm qua, nhờ tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như năng lượng, nước và giáo dục, vốn có nhu cầu ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế.