Tập 6 “Cơ hội cho ai? – Whose chance?” là sự xuất hiện của hai ứng viên 8x có profile khá nổi.
Đinh Tiến Phong, 35 tuổi, là một freelancer mảng truyền thông. Anh còn là kỹ sư Công nghệ thông tin, ngành phần cứng mạng PC. Tiến Phong có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh linh kiện vi tính dân dụng. Anh được trao tặng cúp cho Giải nhất các CLB Doanh Nhân BNI 2019. Hiện tại, nam ứng viên đang xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội: TikTok, Facebook, YouTube.
Mai Sơn Tùng, 34 tuổi, được giới thiệu là cố vấn chiến lược kinh doanh, Marketing, Branding, PR cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong CV gửi truyền hình, anh cho biết từng được Forbes Vietnam đề cử danh sách sơ loại “Forbes Vietnam 30 Under 30” năm 2018.
Câu hỏi phản biện dành cho 2 ứng viên là: “Theo bạn, doanh nghiệp có nên duy trì tính cạnh tranh nơi làm việc hay không?”.
Sơn Tùng hoàn toàn đồng ý với quan điểm nên duy trì tính cạnh tranh nơi công sở. Tuy nhiên, anh cho rằng doanh nghiệp nên lưu ý đến mặt có lợi và có hại của điều này. Tính tích cực ở đây là nhân sự trong công ty có động lực để làm việc, dẫn đến thúc đẩy doanh số cho doanh nghiệp, cũng như bản thân nhân viên đó cũng có cơ hội phát triển năng lực cá nhân. Tuy nhiên, điều tiêu cực có thể xảy đến là nếu sự cạnh tranh này thiếu công bằng, thì sẽ giết chết teamwork, dẫn đến việc những nhân sự giỏi không thích môi trường độc hại như vậy và nghỉ việc.
Cùng có quan điểm tương đồng với đối thủ, Tiến Phong bổ sung rằng việc một công ty có quá nhiều người cùng là thành viên trong gia đình sẽ phá vỡ tính cạnh tranh công bằng, doanh nghiệp sẽ không phát triển được.
Không cho là đúng, Sơn Tùng phản bác đàn anh rằng không phải cứ công ty gia đình là sẽ ưu ái người nhà hơn người ngoài. Quan trọng là người lãnh đạo họ đề ra những nguyên tắc rõ ràng ngay từ đầu.
Kết thúc vòng Đối mặt, Sơn Tùng giành chiến thắng áp đảo trước Tiến Phong với điểm số 4/5, đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng 2 – Chinh phục.
Cả 5 sếp ngỡ ngàng trước kiến thức của ứng viên: Tư vấn giúp doanh nghiệp chiếm 70% thị phần nhưng doanh số chỉ 1,5 tỷ/tháng, ví Marketer như "siêu nhân"
Chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân, Sơn Tùng cho biết từng tư vấn cho một số các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có những doanh nghiệp phát triển, và cũng có doanh nghiệp thất bại sau đó.
“Trong đó, có 1 công ty về Mỹ phẩm đã nằm trong Top 100 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam năm 2016 của cuộc thi Startup Wheel. 3 tháng đầu, tụi em tập trung phát triển thị trường, nhưng 6 tháng sau đã có thị phần chiếm khoảng 70% mỹ phẩm toàn miền Bắc”, ứng viên 8x chia sẻ.
- "Doanh số thì thế nào?", sếp Lưu Nga - Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang ELISE - đặt câu hỏi.
- Doanh số rơi vào khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng.
- 1,5 tỷ/ tháng mà đạt 70% thị phần? Thị phần gì mà ít thế?
Sếp Nguyễn Thanh Quyền – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thắng Lợi Group - đặt câu hỏi: “Em từng học tài chính và luật, sau ra làm Marketing. Lý do cho việc này là gì?”.
Sơn Tùng cho hay anh lựa chọn Marketing từ 2016, vì đánh giá ngành này là xu hướng, giúp bản thân anh học hỏi được nhiều kỹ năng hơn. “Cho nên, người ta thường so sánh nói rằng người làm Marketing như siêu nhân”, ứng viên nói thêm.
“Làm marketing là siêu nhân?”, sếp Quyền hỏi lại.
"Vâng, bản thân mỗi người làm digital marketing biết khá nhiều kiến thức..."
"Bản thân anh cũng từng làm marketing. Anh thấy các anh em làm marketing cũng bình thường thôi, không phải siêu nhân đâu", sếp Quyền nói.
"Em chưa phải người làm rất lâu trong ngành mà lại chọn đi làm tư vấn. Trong quá trình làm việc, mình có gặp phải câu hỏi của khách hàng về kinh nghiệm?"
Sơn Tùng cho hay kỹ năng của anh là digital marketing, khi khách hàng thấy anh làm OK nên ngỏ lời muốn nhờ tư vấn, cho nên anh vừa làm thực thi marketing, vừa làm tư vấn.
Kết thúc vòng Chinh phục, Sơn Tùng chỉ nhận được duy nhất 1 đèn xanh đến từ Sếp Thuấn. Nam ứng viên không đủ điều kiện để đi tiếp vào vòng 3 – Cơ hội cho ai, mà phải dừng chân sớm.
Mức lương kỳ vọng của Sơn Tùng là 35 triệu đồng.
Là người đã đặt ra khá nhiều câu hỏi dành cho Sơn Tùng, Sếp Quyền dành lời khuyên cho ứng viên trước khi anh rời chương trình: “Tiền đề để em làm ngành tư vấn Marketing, là em hãy lăn lộn nhiều hơn, đi thẳng vào và triển khai các chiến dịch cụ thể, con số cụ thể. Dựa trên những kinh nghiệm đó, cũng như những kiến thức bên ngoài mà em học được, sẽ trở thành tài sản thực chiến để khi em đi tư vấn sẽ rất chắc tay”.