Theo đó, Trung Quốc ghi nhận 826 triệu chuyến đi nội địa trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ 29/9, mang về 753,4 tỷ tệ (103 tỷ USD). Dù con số này cao hơn nhiều so với năm 2022 – thời điểm Trung Quốc vẫn đang áp dụng một số biện pháp giãn cách xã hội – nhưng đã không đạt được ước tính của Chính phủ là 900 triệu chuyến đi và mang về 782,5 tỷ tệ.
“Dữ liệu du lịch trong tuần lễ vàng nhân Ngày Quốc khánh của Trung Quốc cho thấy quá trình phục hồi trong mảng dịch vụ, dù vẫn tiếp tục nhưng đã có dấu hiệu chậm lại. Chúng tôi tin rằng việc gia tăng các chính sách nới lỏng sẽ là cần thiết để Trung Quốc đạt phục hồi hơn nữa trong tiêu dùng và dịch vụ, nhất là khi bất động sản gặp khó”, các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs Group Inc. cho biết.
Các dữ liệu quan trọng khác trong quá trình nghỉ lễ được công bố cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi nhưng cần nhiều thời gian để trở lại mốc cao trước đây. Một số lĩnh vực mất đà tăng trưởng trong những tháng gần đây trong khi vấn đề với ngành bất động sản vẫn là rào cản lớn.
Các nhà đầu tư đặt hy vọng vào việc tăng cường tiêu dùng trong dịp nghỉ lễ của Trung Quốc sẽ trở thành chất xúc tác cho thị trường chứng khoán. Trước kỳ nghỉ lễ, CSI 300 giảm 4,7% trong 1 năm qua.
Thực tế, các chuyến đi trong năm 2023 này cũng tăng 4,1% so với năm 2019 còn chi tiêu tăng 1,5% so với năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, tuần lễ vàng năm 2019 kéo dài 7 ngày do Tết trung thu không trùng với Lễ Quốc khánh. Năm nay, kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày.
Trong khi đó, tổng số người nhập cảnh và xuất cảnh chỉ đạt 11,8 triệu lượt, tương đương 85% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, người dân ở các thành phố lớn của Trung Quốc chi tiêu mạnh tay hơn so với năm 2019. Doanh thu du lịch ở Bắc Kinh tăng gần 22% so với năm 2019 trong khi số chuyến đi tới thủ đô của những người cư trú tại các địa phương khác cũng tăng 25% so với năm ngoái.
Tham khảo: Bloomberg