Ngày 14/8, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập chính thức triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện Xanh SM Bike tại Hà Nội.
Dòng xe được sử dụng đồng bộ ban đầu là VinFast Feliz S. Dự kiến giai đoạn tiếp theo Xanh SM sẽ bổ sung thêm mẫu VinFast Evo200, đồng thời đặt mục tiêu phủ sóng 5 tỉnh thành trong năm nay, với số lượng lên đến 60.000 xe.
Xanh SM Bike được ra mắt chỉ 4 tháng sau khi GSM triển khai dịch vụ Xanh SM Taxi và Xanh SM Luxury với nhiều kết quả tích cực. 10 tuần kể từ khi đi vào hoạt động, dịch vụ taxi điện của GSM cán mốc 1 triệu chuyến, mở rộng tới 5 thành phố, đồng thời công ty cũng bắt tay với 14 đối tác để họ chuyển sang sử dụng xe điện.
Theo thông tin trên website, những chiếc taxi điện màu xanh cyan giờ đây đã hiện diện tại 11 tỉnh, thành. Khách hàng có thể gọi taxi và “xe ôm điện” của GSM một cách dễ dàng trên smartphone thông qua app Xanh SM - ứng dụng vừa đạt vị trí top 1 trong danh mục ứng dụng Du lịch trên Apple App Store.
Ngoài ra, khách hàng còn có thể gọi “taxi xanh” trên ứng dụng Be, sau khi GSM bắt tay với Be Group. Theo thỏa thuận hợp tác, GSM còn cam kết hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển từ xe chạy xăng sang xe điện.
Sự kết hợp giữa các hãng sản xuất xe điện và nền tảng xe công nghệ
Những thông tin trên phần nào cho thấy sự hưởng ứng tích cực của người dân đối với dịch vụ bằng xe điện, trong bối cảnh phát triển bền vững được coi là xu thế tất yếu.
GSM không phải đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ “xe ôm điện” tại Việt Nam. Cũng với những chiếc Feliz S do VinFast cung cấp, AhaMove đã cho ra mắt dịch vụ này tại Đà Nẵng từ hồi tháng 11/2022, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của doanh nghiệp thay vì tập trung vận chuyển hàng hóa như trước đây.
Tới tháng 3/2023, AhaMove nhận bàn giao 200 chiếc VinFast Feliz S để đưa vào vận hành dịch vụ cho thuê xe điện (EV Rental) ở Đà Nẵng thông qua website công ty hoặc ứng dụng AhaMove, đồng thời xúc tiến hợp đồng thuê 1.000 xe máy điện từ GSM để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Thông qua các app xe công nghệ, có thể thấy sự hiện diện của thương hiệu VinFast trên đường phố được tăng cường một cách nhanh chóng, trở nên gần gũi và quen thuộc hơn với người dân, tạo điều kiện để mọi người có thể dễ dàng thử trải nghiệm.
Bên cạnh VinFast, một hãng xe điện khác của Việt Nam cũng thu hút đông đảo sự quan tâm là Dat Bike, sau khi lên sóng Shark Tank mùa 3 hồi năm 2019 và gây ấn tượng với chiếc xe máy điện mang kiểu dáng bụi bặm đầy cá tính.
Trước khi những chiếc VinFast Feliz S trở thành phương tiện trên app Xanh SM, Dat Bike hồi tháng 5/2023 đã bắt tay với Gojek để triển khai dịch vụ chở khách, giao đồ ăn và giao hàng bằng dòng xe Weaver++. Các đối tác tài xế Gojek được cho là có thể giảm chi phí nhiên liệu chỉ còn 1/4 so với xe xăng, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
3 tháng sau, Dat Bike tiếp tục công bố ký kết hợp tác với ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến Baemin để triển khai sử dụng xe máy điện trong giao hàng, bắt đầu từ TP. HCM. Trước đó, hai bên đã hợp tác thực hiện chương trình trải nghiệm xe máy điện cho các đối tác tài xế và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
"Cuộc chuyển dịch 100 năm mới có một lần"
Bên cạnh VinFast và Dat Bike, một startup sản xuất xe điện của Việt Nam gần đây cũng gây chú ý là Selex Motors. Hôm 20/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã tới thăm nhà máy của hãng này và ngồi thử lên chiếc xe điện Selex Camel được thiết kế chuyên dụng cho giao vận.
Ngay từ đầu, Selex Motors đã xác định tập trung trước hết vào logistics – ngành có nhu cầu di chuyển nhiều nhất và muốn tối ưu chi phí nhất. Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Cofounder & CEO của Selex Motors tin rằng giao vận chính là lĩnh vực sẽ chấp nhận được sự chuyển đổi sang xe điện đầu tiên.
Do đó, không bất ngờ khi Selex Motors hợp tác với hàng loạt hãng giao vận như Lazada, Viettel Post, DHL… cùng những nền tảng xe công nghệ là Baemin và Grab để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa GrabExpress và Selex Motors, hai bên đã phối hợp thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng xe máy điện với một nhóm nhỏ đối tác tài xế tại Hà Nội. Sau một tháng, nhóm đối tác này đã di chuyển hơn 30.000 km bằng xe máy điện Selex, ước tính giảm hơn 3,4 tấn khí thải CO2 ra môi trường. Hồi tháng 5/2023, chương trình thử nghiệm tiếp tục được triển khai tại TP. HCM.
Tại lễ ra mắt hệ sinh thái xe máy điện của Selex Motors hồi tháng 11/2022, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên chỉ ra hàng loạt vấn đề nan giải đang tồn tại như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, giá xăng dầu tăng cao. Đặc biệt, Việt Nam có tới hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, thải ra lượng khí CO2 khổng lồ.
"Tất cả những điều này là biểu hiện của một cuộc chuyển dịch mang tính lịch sử 100 năm mới có một lần trong lĩnh vực giao thông – lĩnh vực ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của chúng ta", ông Nguyên phát biểu.