Tencent vì đã có Shopee nên quyết định buông Tiki?
Báo cáo tài chính quý IV/2024 của VNG cho thấy: VNG đã quyết định rút hết nhân sự tại Tiki và chuyển Tiki Global từ ‘công ty liên kết’ thành ‘khoản đầu tư tài chính dài hạn’. Như vậy, VNG vẫn sẽ là cổ đông lớn tại Tiki Global nhưng không tham gia vào công việc điều hành cũng như phát triển công ty này.
Tính đến thời điểm 31/12/2024, VNG đã đầu tư 510 tỷ đồng vào Tiki Global nhưng từ quý 1/2019, giá trị của khoản đầu tư này đã về 0, tức VNG đã ghi nhận lỗ toàn bộ số tiền đầu tư vào Tiki.
VNG đã có 2 đợt đầu tư vào Tiki: đợt đầu tiên là vào tháng 5/2016 với khoản đầu tư 17 triệu USD (khoảng 384 tỷ đồng) để đổi lấy 38% cổ phần và chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại sàn thương mại điện tử này; đợt thứ hai là vào đầu năm 2018, khi VNG rót thêm 120 tỷ đồng để mua thêm cổ phần trong đợt chào bán riêng lẻ của Tiki.
![tencent_vng.png](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/12/tencent_vng.png)
Theo hồ sơ mà VNG Limited nộp lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) vào 8/2023 để chuẩn bị cho việc IPO, thể hiện: cổ đông của công ty này bao gồm các tập đoàn lớn đến từ Trung Quốc như Tencent và Ant Group, cùng với hai quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore là GIC và Seletar Investments. Trong đó, Tencent là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu hơn 65 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng quyền biểu quyết là 23%.
Theo hồ sơ gửi SEC, VNG Limited phát hành 2 loại cổ phiếu hạng A (nắm 100% lợi ích kinh tế nhưng chỉ giữ 49% quyền biểu quyết) và cổ phiếu hạng B (không có lợi ích kinh tế nhưng có 51% quyền biểu quyết).
Năm 2014, Tencent đã mua lại 15% cổ phần của JD.com. Vào năm 2017, có thông tin là JD.com trực tiếp rót 44 triệu USD vào Tiki. Đến tháng 6/2019, theo Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia: JD.com sở hữu 25,65% cổ phần của Tiki. JD.com và VNG chính là 2 cổ đông lớn nhất của Tiki tại thời điểm này.
Sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, Tencent đã quyết định rút bớt ảnh hưởng trong ngành TMĐT. Năm 2021, Tencent đã bán gần hết cổ phần ở JD.com. Năm 2022, Tencent tiếp tục bán bớt 14,5 triệu cổ phiếu, khiến cổ phần tại SEA – công ty mẹ Shopee, giảm từ 21,3% xuống còn 18,7%. Dù thế, Tencent vẫn đang là nhà đầu tư lớn nhất của SEA.
Năm 2021, Tiki đã hoàn tất vòng gọi vốn Series E của mình với mức 258 triệu USD, được dẫn dắt bởi AIA Insurance và UBS AG, Mirae Asset-Naver, Taiwan Mobile… Trong danh sách các nhà đầu tư ở vòng gọi vốn này, không có sự xuất hiện của VNG – JD.com.
Với việc Shopee đang dẫn đầu thị trường TMĐT Việt Nam còn Tiki càng sống càng thụt lùi, nên không có gì ngạc nhiên khi Tencent – VNG quyết định dứt tình với Tiki.
Tiki thất thế
Ngành TMĐT của Việt Nam đang là ngôi sao sáng nhất – không chỉ của Việt Nam mà còn khu vực Đông Nam Á.
Theo Bộ Công Thương, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng 25% vào năm 2023, trở thành thị trường phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á và là một trong 10 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Hơn 80% người dùng internet trong nước cho biết có sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến, từ đó thúc đẩy mở rộng thương mại điện tử và thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gia nhập vào lĩnh vực này.
Hiện nay, Shopee là nền tảng thương mại điện tử chiếm ưu thế về thị phần doanh số bán hàng. TikTok Shop cũng là đối thủ đang phát triển nhanh chóng, điều này nhấn mạnh sự chuyển đổi của mạng xã hội từ phương tiện quảng cáo sang thương mại. Các hình thức bán hàng mới như livestream, shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) và thương mại giao tiếp đang thúc đẩy cuộc cách mạng thương mại mạng xã hội.
![tang-truong-ban-le-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2018-2023.-bieu-do.-savills-viet-nam.png](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/12/tang-truong-ban-le-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2018-2023.-bieu-do.-savills-viet-nam.png)
Còn theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được ước tính đạt 22 tỷ USD, xếp thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD).
Thị trường đã tăng trưởng 18% so với năm 2023, tốc độ tăng trưởng nhanh thứ ba sau Philippines (23%) và Thái Lan (19%). Thị trường TMĐT của Việt Nam dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng này, trung bình hơn 19% hàng năm và đạt 63 tỷ USD vào năm 2030. Tại thời điểm đó, dự kiến quy mô ngành TMĐT Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan, xếp thứ hai trong khu vực, chỉ sau Indonesia.
![screen-shot-2025-02-12-at-2.02.11-pm.png](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/12/screen-shot-2025-02-12-at-2.02.11-pm.png)
Thương mại điện tử chiếm hơn 60% nền kinh tế số của Việt Nam năm nay, trở thành một trong hai động lực tăng trưởng chính cùng với du lịch trực tuyến.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là: thị trường TMĐT Việt Nam càng hấp dẫn thì các tay chơi nội địa càng gặp nhiều khó khăn, vì không thể chống lại sức mạnh to lớn đến từ bên ngoài.
Cụ thể, trước khi Shopee xuất hiện năm 2016, thì thị trường sàn TMĐT ở Việt Nam chủ yếu là cuộc chơi giữa 2 đối thủ chính là Lazada và Tiki. Bằng cách đổ rất nhiều tiền vào khuyến mại và miễn phí vận chuyện cho cả người bán lẫn người mua, chỉ trong vỏn vẹn hơn 2 năm, Shopee đã đánh bại cả Lazada và Tiki để dẫn đầu thị trường.
Theo Báo cáo thị trường mua sắm trực tuyến năm 2018 do Công ty Q&Me thực hiện, Shopee đã vươn lên chiếm thị phần 35%, soán ngôi đầu thị trường của Lazada trong năm 2017. Điều này khiến thị phần của Lazada cũng từ mức trên 30% trước đó xuống còn 20% và tiếp theo là Tiki chiếm 17%. Càng những năm sau, khoảng cách giữa Tiki và Shopee càng nới rộng đáng kể.
Trước khi TikTok Shop xuất hiện, theo Metric.vn, dựa trên dữ liệu Big Data của người tiêu dùng trong 6 tháng (từ 11/2021-5/2022) cùng tổng doanh số 4 sàn phổ biến tại Việt Nam: Shopee chiếm 73% thị phần, Lazada là chiếm 20%, Tiki và Sendo lần lượt chiếm 5,8% và 1,4%.
Giữa năm 2022, TikTok Shop chính thức vận hành tại Việt Nam và bằng thế mạnh livestream, đã nhanh chóng bứt tốc lên kèn cựa với Shopee. Lazada và Tiki ngày càng thụt lùi về thị phần, còn Sendo gần như biến mất khỏi bản đồ các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam.
![metric.png](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/12/metric.png)
Số liệu từ Metric gần nhất cho thấy, doanh số quy mô 5 sàn TMĐT nêu trên trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 143.900 tỷ đồng, tăng trưởng 54,91% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng áp đảo của hai sàn Shopee và TikTok Shop. Và đây cũng là hai sàn có tăng trưởng về doanh số, trong khi ba sàn còn lại "đi lùi".
Cụ thể hơn: nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với doanh thu 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần; TikTok Shop có 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần; Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (chiếm 1,3%).
Còn theo thống kê của YouNet ECI, trong quý II/2024, Shopee có 261.000 nhà bán, gấp hơn 2 lần TikTok Shop (113.000 nhà bán), Lazada (104.000 nhà bán), trong khi Tiki có 8.800 nhà bán, giảm đến 19,1%.
Tương lai của Lazada và Tiki ngày càng trở nên mù mịt với sự xuất hiện Temu cuối 2024 và có thể cả Shein trong tương lai. Cuối năm 2024, Temu đã thử nghiệm phiên bản tiếng Việt cũng như cho phép người Việt đặt hàng trên website, tuy nhiên, vì vấn đề giấy phép Temu đã phải ngừng hoạt động và buộc phải hoàn tiền cho người dùng Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Công thương. Nhiều khả năng, Temu sẽ không từ bỏ thị trường Việt Nam và sẽ trở lại một ngày nào đó không xa.
![screen-shot-2025-02-12-at-8.06.30-pm.png](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/12/screen-shot-2025-02-12-at-8.06.30-pm.png)
Tiki cũng đã có những nỗ lực để giành lại thị trường từ các đối thủ. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Tiki đã thử nghiệm nhiều thứ như TikiNgon – tập trung vào thực phẩm, TikiNow Logistic – giao hàng siêu tốc, TikiCare, liên kết bán hàng với các công ty tài chính như bảo hiểm – AIA, cho vay - Shinhan Financial Group, mua trước trả sau, ứng dụng ChatGPT từ năm 2023…
Về mặt tài chính: năm 2020, từng có thông tin Tiki có ý định sáp nhập với Sendo để có tiếng nói tốt hơn khi gọi vốn, nhưng cuối cùng thương vụ đã đổ bể. Năm 2023, Founder Trần Ngọc Thái Sơn đã rời vị trí CEO nhằm tập trung vào công tác IPO, song đến giờ kế hoạch này vẫn chưa thể thực hiện.
Vào giữa năm 2022, Shinhan Financial Group cho biết đã bỏ ra 40 triệu USD để mua 10% cổ phần của Tiki. Tuy nhiên, vào tháng 1/2023, dựa vào hồ sơ pháp lý của Tiki Global Pte. Ltd tại Singapore, Tech in Asia cho biết: khoản đầu tư từ Shinhan Financial Group lên đến 90 triệu USD.
Với giả định dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Tiki đạt 100 triệu USD/năm, Tech in Asia cho rằng, sàn thương mại điện tử này có thể hoạt động thêm gần 3 năm mà không cần gọi thêm vốn. Đồng nghĩa, việc niêm yết công khai của Tiki có thể đợi đến năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Nhưng lúc đó, Tiki còn chiếm trên 5% thị phần và TikTok Shop mới xuất hiện, chưa có Temu; còn bây giờ, thị phần của Tiki chỉ còn lại khoảng trên 1%. Vậy nên, khả năng IPO của Tiki đang là một dấu hỏi lớn.
![ecommerce-in-southeast-asia-2024_mw_july-2024-1.png](https://mkt.1cdn.vn/2025/02/12/ecommerce-in-southeast-asia-2024_mw_july-2024-1.png)
Dù cả Lazada và Tiki đều đang tụt dốc không phanh, song viễn cảnh bị xóa sổ của Tiki lớn hơn Lazada, vì Lazada không chỉ hoạt động ở thị trường Việt Nam mà cả Đông Nam Á và có sự hậu thuẫn của ông lớn Alibaba; Tiki thì không có cả hai. Mặt khác, cả Shopee, TikTok Shop đều đã có lời ở thị trường Việt Nam, Tập đoàn Lazada cũng bắt đầu hết lỗ; trong khi Tiki vẫn chưa có lợi nhuận.
Cũng theo Tech in Asia, tổng doanh thu trong năm tài chính 2022 của Tiki ghi giảm 7% so với năm ngoái, xuống dưới ngưỡng 200 triệu USD. Trừ đi chi phí, Tiki báo lỗ 93 triệu USD, tăng 39% so với năm 2021. Trong khi đó, báo cáo tài chính của Tiki trong năm 2023 – 2024 chưa được công bố.