Năm 2023, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến vẫn đối diện nhiều thách thức như rủi ro lạm phát tăng, lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn đạt mức cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có rủi ro suy thoái và nhu cầu tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát.
Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, trong bối cảnh mới, môi trường mới, cũng luôn xuất hiện các cơ hội đầu tư mới - điều này đã được chứng minh trong quá khứ, điều quan trọng là nhà đầu tư phải tìm cách thích nghi, nghiên cứu, chọn lọc và nắm bắt được cơ hội cho mình ở các kênh đầu tư.
Chia sẻ tại toạ đàm “Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do Báo Đầu tư tổ chức, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết ngay từ đầu năm 2022, nền kinh tế phục hồi rất mạnh qua việc tăng trưởng kinh tế và các ngân hàng mạnh tay cho vay, nhưng, đến cuối năm đã có dấu hiệu chững lại do chịu tác động rất mạnh từ các yếu tố bên ngoài và nội tại của nền kinh tế.
Điều này đã thể hiện trên thị trường tài chính như thị trường chứng khoán mất hơn 30% giá trị; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đóng băng; thị trường vàng biến động rất mạnh; ngân hàng tăng lãi suất mạnh tay để thu hút vốn do huy động thấp so với tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng phải nới room tín dụng nhiều lần trong năm 2022 cho các ngân hàng và đến cuối năm nâng trần tín dụng đến 15,5 và 16%.
Với góc nhìn thận trọng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bức tranh kinh tế năm 2023 chưa có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Việc ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng lãi suất trong thời gian tới.
Đặc biệt, tỷ giá có thể sẽ tiếp tục biến động khi Fed tiếp tục tăng lãi suất khiến VNĐ sẽ tiếp tục mất giá. Khi đó, NHNN sẽ ở trong thế bị động và buộc phải chấp nhận việc đồng VNĐ bị phá giá.
Nhận định riêng về thị trường chứng khoán, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá chứng khoán vẫn chưa phản ánh hết các thách thức và rủi ro vĩ mô kể trên. Do đó, chuyên gia chưa có dấu hiệu khả quan để thị trường có thể hồi phục mạnh mẽ để trở lại mức 1.500 điểm.
Trong nửa đầu năm, TTCK Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục trầm lắng và chưa thể phục hồi. Tuy vậy, cơ hội vẫn sẽ đến trong nửa cuối năm, thị trường sẽ hồi phục sau khi Fed dần khép lại chu kỳ tăng lãi suất.
Nhìn từ một góc độ khác, với việc thị trường chứng khoán và trái phiếu nhiều biến động khó lường, giới đầu tư đã phải tìm cách thích nghi và phát triển, tự chuyển đổi linh hoạt việc phân bổ dòng vốn đầu tư.
Theo đó, vàng là một khoản đầu tư ổn định được chuyên gia tin rằng quý 1/2023 là thời điểm tốt để giao dịch hoặc đầu tư vào vàng. Họ tin rằng vàng sẽ tiếp tục là tài sản trú ẩn an toàn trong suốt cả năm và giữ giá trị của nó.
Về chiến lược đầu tư, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng 2023 không phải năm để phiêu lưu mạo hiểm mà đây là năm tái cơ cấu và đánh giá lại toàn bộ danh mục đầu tư.
"Nhà đầu tư chứng khoán cần "ngủ yên trước khi ăn ngon" và nên “thắt dây an toàn” với tất cả các kênh đầu tư. Điều này cho thấy việc quản trị rủi ro rất quan trọng, nhưng không có nghĩa là "thắt" quá chặt bởi trong khó khăn vẫn sẽ xuất hiện những cơ hội", chuyên gia kinh tế chia sẻ.
Theo chuyên gia, để quản trị danh mục nhà đầu tư cần (1) định hình được khẩu vị rủi ro (2) kỷ luật kiểm soát rủi ro (3) mức độ thiệt hại chấp nhận là bao nhiêu.