TS. Cấn Văn Lực: Không thu hồi đất cho hạ tầng du lịch sẽ tạo rào cản phát triển

Nam Anh | 11:42 19/10/2023

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia khẳng định cần phải có cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất và thực hiện đấu thầu hay đấu giá các dự án du lịch hoặc các dự án nhà ở/khu đô thị kết hợp với du lịch, thương mại dịch vụ để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

TS. Cấn Văn Lực: Không thu hồi đất cho hạ tầng du lịch sẽ tạo rào cản phát triển
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.

Chính sách cho hạ tầng du lịch chưa đột phá

Đánh giá về vai trò của ngành du lịch, TS. Cấn Văn Lực cho rằng đây là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho thịnh vượng chung của quốc gia. Theo WB (2019), du lịch đóng góp khoảng 7,6% GDP và 7,3% việc làm toàn cầu năm 2022 và ước tính đến năm 2033 có thể chiếm tới 11,6% GDP và tạo ra 12% việc làm toàn cầu. Du lịch góp phần đa dạng hóa xuất khẩu dịch vụ, tạo việc làm (nhất là cho phụ nữ và giới trẻ) và cơ hội kinh doanh cho các DNNVV.

Như là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị, du lịch có hệ số lan tỏa lớn (từ 1,5-3,5 lần), liên quan tới nhiều ngành như lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú, giao thông vận tải, vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao… Đồng thời, du lịch còn góp phần giảm tụt hậu, chênh lệch giàu - nghèo cho những vùng lạc hậu, xa xôi hẻo lánh, những nơi ít có điều kiện phát triển công nghiệp, qua đó, đóng góp vào thịnh vượng chung. 

“Đối với Việt Nam, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế tổng hợp có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Về đóng góp trực tiếp, theo Tổng cục Du lịch, năm 2019 (trước dịch bệnh) doanh thu từ du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,5% GDP hiện hành. Trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch tiếp tục có những đóng góp quan trọng khi doanh thu lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành đạt 526,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 7,24% GDP), trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và du lịch lữ hành tăng 47,7% so cùng kỳ năm trước”, ông Lực cho hay.

nga-9.png

Ông Lực khẳng định ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển lớn về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, trở thành một trong những động lực quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ, góp phần giúp kinh tế tăng trưởng bền vững. Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, cũng thẳng thắng nhận định: “hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có những đột phá”.

Vì vậy, theo ông Lực, để phát triển ngành du lịch bền vững trong tương lai, trở thành một trong lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế đòi hỏi cần xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển của ngành, trong đó cần tạo ra những đột phá về cơ chế pháp lý, tạo cơ sở thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, thực hiện chiến lược phát triển ngành du lịch trong tương lai.

Ông Lực cho biết, hiện nay chính sách ưu tiên, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch đã được chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước cũng như của ngành. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn chưa được hiện thực hóa thành các giải pháp thống nhất, đột phá và cụ thể để phát triển hạ tầng du lịch một cách đồng bộ và bền vững.

Do rào cản chính sách nên cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Theo đó, quy mô cơ sở lưu trú tăng chậm. Chưa kể, đến cuối năm 2022, có tới 82,7% các cơ sở lưu trú là hạng 3 sao hoặc không xếp hạng (không đủ tiêu chuẩn xếp hạng). Các cơ sở xếp hạng cao cấp chỉ chiếm tỷ trọng thấp: xếp hạng 5 sao chiếm 10,7%; hạng 4 sao chiếm 6,6% cho thấy hạn chế trong việc phục vụ khách du lịch có thu nhập cao từ Châu Âu, Mỹ…

Cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam được đánh giá kém hơn các quốc gia trong khu vực khi xếp hạng cơ sở hạ tầng du lịch năm 2021 của Việt Nam đứng thứ 58/117 quốc gia; kém Indonesia (thứ 52), Malaysia (thứ 38), Thái Lan (thứ 28), Singapore (thứ 6) cho thấy đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn nữa.

Lĩnh vực du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú cần có nhiều cải thiện và nguồn lực đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Lực nói.

Cần khẩn trương sửa quy định trong Luật Đất đai để phát triển du lịch

Cần cơ chế hỗ trợ các dự án du lịch lớn triển khai.

Phân tích sâu hơn về rào cảnchính sách đất đai cho phát triển du lịch, TS Cấn Văn Lực cho rằng, các ưu đãi đối với ngành du lịch chưa được cụ thể hóa rõ ràng trong các quy định liên quan.

Thứ nhất, du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư 2020, chưa thuộc danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020; việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động...v.v.

Thứ hai, khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập: mặc dù quy định pháp luật hiện hành đã cho phép đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án du lịch, thương mại dịch vụ, song còn thiếu cơ chế thu hồi đất đối với các loại dự án này. Doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện chỉ có thể tiếp cận quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án du lịch thông qua hình thức nhận chuyển nhượng hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất (theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư).

“Trong khi đó, hình thức đấu giá quyền sử dụng đất lại phụ thuộc phần lớn vào quỹ đất do địa phương nắm giữ và phụ thuộc vào ngân sách địa phương và khả năng thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng dự án. Việc thỏa thuận đền bù với 100% số hộ dân là rất khó. Đây là một trong những vướng mắc lớn, khiến nhiều nhà đầu tư còn e ngại”, ông Lực phân tích. 

Quan trọng hơn, Điều 79 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, nhưng lại không có các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí. Là một ngành có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, liên quan tới nhiều ngành kinh tế, thương mại, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân như đã phân tích ở trên, ông Lực cho rằng, ngành du lịch nên được xem xét là ngành góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa như tiêu chí nêu tại Điều 79 của dự thảo. Theo đó, cần có cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất và thực hiện đấu thầu hay đấu giá các dự án du lịch hoặc các dự án nhà ở/khu đô thị kết hợp với du lịch, thương mại dịch vụ để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Chuyên gia lý giải, đối với lĩnh vực du lịch, đất đai là nguồn lực quan trọng để thu hút nguồn vốn xã hội (trong và ngoài nước) do muốn phát triển đồng bộ, bền vững các dự án đầu tư khu du lịch cần số vốn đầu tư lớn, quỹ đất phát triển tương xứng cùng với thời gian đầu tư và vận hành dài hạn. Việc không quy định lĩnh vực du lịch thuộc các trường hợp thu hồi đất như trên có thể khiến việc tìm kiếm các nguồn quỹ đất cho các dự án du lịch quy mô lớn có thể tiếp tục gặp khó khăn, trở thành rào cản phát triển. 

Để giải quyết các vướng mắc trên, ông Lực cho rằng, cần phải sửa đổi một số quy định trong Luật Đất đai. Thứ nhất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí (thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79) có quy mô hoặc tổng mức đầu tư lớn, đặc biệt là những dự án du lịch tại địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo…v.v. Việc bổ sung trên có thể giúp tháo gỡ khó khăn, giúp các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần làm rõ tiêu chí để xác định các dự án lớn, tác động đối với phát triển KT-XH cũng như an sinh xã hội. 

Thứ hai, nên xem xét bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại Điều 121 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của lĩnh vực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, từ đó tạo điều kiện để thu hút hơn nữa nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho phân khúc này. 

Theo ông Lực, để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, cần tư duy đổi mới và sự đồng lòng vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các bộ, ban ngành chức năng, cùng với bản thân ngành du lịch nhằm sớm vượt qua khó khăn, thách thức hiện tại, tận dụng cơ hội, xu hướng và sớm phục hồi, phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. Trong đó, việc sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp yêu cầu thực tiễn là rất quan trọng.


(0) Bình luận
TS. Cấn Văn Lực: Không thu hồi đất cho hạ tầng du lịch sẽ tạo rào cản phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO