Temu gây “bão” ở Việt Nam
Cuộc “đổ bộ” của Temu vào Việt Nam, một sàn thương mại điện tử của Pinduoduo Holdings (Trung Quốc), đang gây nên một cơn sốt hàng giá rẻ và đi kèm với đó là những băn khoăn có nên mua hay không?
Phải nói là cuộc “đổ bộ”, vì trên khắp các trang mạng xã hội đang lưu hành tại Việt Nam đều xuất hiện liên tục các quảng cáo của Temu về lợi thế giá rẻ, miễn phí vận chuyển. Đặc biệt, các quảng cáo hướng đến giảm giá mạnh từ 50-90% cho khách hàng lần đầu mua hàng trên Temu.
Chị Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), là người hay mua sắm đồ dùng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn, khi Temu tiếp cận, cũng ưa “khám phá”, chị đã tải app Temu để mục sở thị những sản phẩm giá rẻ, chất lượng trên Temu.
Lợi thế là Temu đã sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt, điều này trên aap Tabao hay Alibaba chưa có, giao dịch khá thuận tiện như app Shoppe. Khi khách mua hàng lần đầu được chiết khấu từ 50-90% cho tổng đơn hàng.
Đơn cử, chị Liên mua 3 món hàng, tổng giá trị hơn 692.000 đồng, khi thanh toán lần đầu được chiết khấu hơn 473.000 đồng, số tiền còn lại cần trả 218.000 đồng.
Lần thứ 2, chị có ý định đặt mua một chăn lông cừu giả trên Temu niêm yết giá 869.000 đồng/cái, tuy nhiên khi tìm trên app Shoppe cùng mặt hàng này của một shop mall chỉ có giá 359.000 đồng/cái và sau đó chị quyết định chọn trên cửa hàng mall của Shoppe.
“3 sản phẩm tôi chọn mua trước đó chất lượng nhìn rất “hàng mã”, như kiểu “tha rác về nhà” nên tôi đã quyết định cất tủ, ai cần thì cho”, chị Liên nói.
Điều nữa làm chị băn khoăn là khi mua hàng trên Temu cần thanh toán trước bằng thẻ Visa, mặc dù Temu cam kết bảo đảm an toàn cho khách hàng, nhưng do đây là nền tảng thương mại điện tử chưa được cấp phép tại Việt Nam thì ai sẽ bảo vệ khách hàng khi có sự cố lộ thông tin thẻ xảy ra. Bên cạnh đó, hàng hoá nhận về không được đồng kiểm, nếu không hài lòng khách hàng có thể gửi trả lại shop, nhưng liệu shop có phản hồi lại hoặc hoàn lại tiền cho khách hàng không vẫn là điều chưa kiểm chứng được.
Chị Thanh Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, rất bực mình vì tài khoản mạng xã hội của chị liên tục xuất hiện các quảng cáo cài đặt ứng dụng Temu, như kiểu hình thức “tra tấn” thị giác của khách hàng. Chỉ cần lướt mạng xã hội hàng loạt quảng cáo Temu như “hãy ghé qua Temu nhé, chúng tôi đảm bảo rằng ưu đãi rất tuyệt và không thể bỏ qua! Nhấp vào ngay, bạn sẽ không hối tiếc đâu”.
Chị Thuỷ cho biết, sẽ không mua hàng trên Temu, vì nếu so sánh với giá trên Shoppe, Lazada hay Tiki thì không rẻ hơn, mà mua trên Temu các thương hiệu không rõ ràng, phải thanh toán trước, không được đồng kiểm hàng, đặc biệt chưa được phép hoạt động tại Việt Nam nên không được pháp luật bảo hộ nếu xảy ra vấn đề hàng hoá hư hỏng hay mất tiền trên thẻ thanh toán…
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động
Temu không chỉ xuất hiện tại Việt Nam thời gian gần đây, mà sàn này đã xuất hiện tại Mỹ năm 2022, gây nên những hiệu ứng cho người mua sắm online. Temu muốn “chinh phục” thế giới bằng cách bán hàng giá rẻ và miễn phí vận chuyển. Nay Temu đang “bành trướng” sang cả châu Âu cùng nhiều nước ở châu Á. Tuy nhiên, nhiều nước lo ngại hàng hoá chất lượng kém, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Ngay cả nền tảng Amazon tại Mỹ cũng bị đe doạ bởi Temu.
Trước đó, Indonesia đã không cho phép Temu hoạt động tại nước này.
Tại Việt Nam, dù mới xuất hiện, nhưng Temu đang gây “sóng gió” đối với khách hàng. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, trên các mạng xã hội, nhiều người đều không “chào đón” Temu vì nhiều lẽ, đặc biệt là người tiêu dùng sẽ lo ngại “đem rác về nhà” với hàng kém chất lượng như một số sàn thương mại điện tử khác.
Mới đây, tại cuộc họp báo quý 3/2024 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay theo quy định của nghị định 85, sàn giao dịch thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.
Đối với sàn Temu hiện đang bán hàng tại Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử, trong khi Indonesia đã cấm sàn này, hay một số nước quan ngại sàn này, ông Tân khẳng định Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động.
"Bộ Công Thương sẽ triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái. Về giá cả, tôi cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ, nhưng phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, vì chưa thể khẳng định giá đó thật hay không. Trước hết phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường", ông Tân cho hay.
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết, việc các nền tảng thương mại điện tử xuất hiện tại Việt Nam các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra giám sát. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại chức năng nhiệm vụ của mình, đảm bảo thực thi hiệu quả các quy định hiện hành. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi và công bằng giữa các nhà đầu tư, nhà sản xuất kinh doanh để có môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, một trong những vấn đề bất cập hiện nay là thuế. Cần rà soát bổ sung để giá trị tối thiểu mặt hàng cần thu thuế có mức thấp hơn. Cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát lại các quy định của luật, chỗ nào còn vướng mắc bất cập cần kiến nghị sửa đổi ngay thì kiến nghị để tạo thể chế phát triển, Quốc hội sẵn sàng đồng hành.