Bộ trưởng Tài chính: 5 tháng đầu năm thu 50.000 tỷ đồng tiền thuế từ sàn thương mại điện tử

PV | 17:53 04/06/2024

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính "rất quyết liệt" trong thu thuế của sàn giao dịch thương mại điện tử, 5 tháng đầu năm đã thu khoảng 50.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Tài chính: 5 tháng đầu năm thu 50.000 tỷ đồng tiền thuế từ sàn thương mại điện tử
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp Quốc hội chiều 4/6. Ảnh: Media Quốc hội

Trả lời về các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn chiều ngày 4/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua Bộ Tài chính "rất quyết liệt" trong thu thuế của sàn giao dịch thương mại điện tử. Để làm được việc này, Bộ đã mở cổng thông tin điện tử về sàn xuyên biên giới hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nộp thuế.

Kết quả, năm 2022 thu được 83.000 tỷ đồng, 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm nay thu được 50.000 tỷ đồng. Theo ông Phớc, hiện có 96 nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google, Tiktok đã đăng ký và nộp thuế ở cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại điện tử. Hiện, các tập đoàn lớn này đã nộp được 15.600 tỷ đồng về thuế thương mại điện tử.

Sắp tới, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành giao cơ quan thuế thu thuế qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, nhà chức trách tập chung chính ở Hà Nội và TP HCM.

Về xuất nhập khẩu, ông Phớc cho hay đã chỉ đạo hải quan triển khai "hải quan thông minh" và trở thành thành viên của hải quan thế giới. Bộ Tài chính cũng triển khai thanh toán điện tử toàn bộ, nộp thuế điện tử, để chống buôn lậu và thông quan một cách chuyên nghiệp.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hải quan để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Bán hàng online phải đăng ký định danh tài khoản

Liên quan đến việc tăng cường quản lý thương mại điện tử, theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, ngành Công Thương đã ký cam kết với các sàn thương mại điện tử trong phòng chống hàng giả, hàng nhái. Song thực tế, tình trạng hàng giả, nhái vẫn bất cập, thậm chí có website công khai hàng hóa bất hợp pháp.

"Việc ký cam kết này có hiệu quả, cần thiết hay không và cơ chế kiểm tra, kiểm soát trong thực hiện cam kết này thế nào?", bà Mai chất vấn.

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, chống hàng giả, nhái trong kinh doanh truyền thống đã khó, trên môi trường mạng càng khó khăn hơn. Vì thế, cần sự phối hợp đồng bộ từ các bên liên quan (cơ quan quản lý, sàn thương mại điện tử, người bán, mua...).

"Việc các sàn thương mại điện tử là quan trọng, giúp các sàn nâng cao trách nhiệm của họ và cùng thể hiện quyết tâm chống hàng giả, hàng nhái", ông Diên nói.

Ông Diên cho biết thêm, Bộ Công Thương đang giám sát các sàn này qua hệ thống công nghệ thông tin và phản ánh của người tiêu dùng. Ngoài ra, Bộ cũng xử phạt tiền hoặc đình chỉ kinh doanh các sàn thương mại điện tử nếu vi phạm.

Nói về hàng giả trên không gian mạng nở rộ vừa qua, ông Diên nhận định, một phần do chế tài thiếu, chưa đủ mạnh. Ở góc độ quản lý, Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi Nghị định 98 về xử phạt vi phạm chính trong thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, nhái, dự kiến trình Chính phủ trong quý III/2024.

Cùng đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an triển khai định danh tài khoản người bán trên sàn thương mại điện tử.

Năm ngoái, trên 6.200 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm đã bị lực lượng chức năng gỡ bỏ, khóa. Lực lượng quản lý thị trường của Bộ đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt vi phạm 12 tỷ đồng, ông Diên cho biết.

Khó khăn trong quản lý bán hàng online, livestream

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) nêu thực tế, đơn hàng bán qua Facebook, Zalo... của người bán hàng nước ngoài, sau đó được xuất khẩu qua biên giới, chuyển phát nhanh và vận chuyển vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài xử lý với người bán hay sàn thương mại điện tử khi xảy ra tình trạng hàng giả, nhái.

"Giải pháp thế nào khắc phục tình trạng này, bảo vệ người tiêu dùng đại biểu Tạ Văn Hạ đặt vấn đề.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận "thực sự khó khăn trong quản lý bán hàng online, livestream". Theo ông, trách nhiệm quản lý này không chỉ của ngành Công Thương, cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan như thông tin truyền thông, tài chính...

Giải pháp tốt nhất, theo ông Diên là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Với ngành Công Thương, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng rà soát, kiểm tra để phát hiện, đấu tranh làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng bán hàng online. Bộ cũng tăng chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, để kịp thời xử lý sai phạm, chống thất thu thuế.

"Hoạt động của các đối tượng kinh doanh này thường biến hóa khôn lường, quy định pháp luật cần kịp thời sửa đổi phù hợp thực tế ", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Hiện, tốc độ phát triển thương mại điện tử bình quân khoảng 20-25% một năm, quy mô thương mại 21 tỷ USD. Do đó, theo ông Diên, cần tăng vai trò quản lý Nhà nước của địa phương trong xem xét xử lý xung đột lợi ích. Trường hợp chứng minh được vi phạm của người bán online, livestream... thì ngành chức năng xóa vĩnh viễn các trang kinh doanh online là phù hợp. Việc này sẽ giúp từng bước giảm vi phạm pháp luật trong bán hàng online.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bộ trưởng Tài chính: 5 tháng đầu năm thu 50.000 tỷ đồng tiền thuế từ sàn thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO