Trong những chia sẻ công khai mới đây, CEO Đoàn Anh Thư của chuỗi Vua Cua đã kể lại những khó khăn và sai lầm "chí mạng" trong quá trình lập nghiệp và điều hành cơ sở kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn Covid.
Đầu tiên là điểm yếu về quản lý tài chính. Anh Thư từng suy sụp khi nhận ra sau một thời gian kinh doanh, "tự nhiên" có một số nợ 5 tỷ mà không biết nguyên nhân từ đâu ra.
"Tôi nợ 5 tỷ, thật sự khi tôi làm Vua Cua, điểm yếu lớn nhất của tôi là quản lý tài chính. Ông trời thương tôi cho tôi thức tỉnh lúc tôi mới nợ có 5 tỷ.
Trời, tôi không biết làm thế nào để trả được 5 tỷ đó. Tôi cảm thấy mọi thứ gần như sụp đổ. Nhưng tôi lấy lại cân bằng rất nhanh, bắt đầu tìm hiểu tại sao lại nợ số tiền này? Rõ ràng tôi không vung tay quá trán, tôi cũng không lấy bất cứ một đồng tiền nào của công ty để tiêu xài cá nhân."
Ngoài vấn đề quản lý tài chính trong quá khứ, vướng mắc thứ hai của Anh Thư là về quản trị nhân sự. Chẳng hạn như do quá tin tưởng nhân viên mà có một khoảng thời gian chất lượng món ăn của Vua Cua xuống dốc, nằm ngoài dự đoán của cô.
Anh Thư thừa nhận: "Sự mất khách của Vua Cua trong một khoảng thời gian, lỗi lớn nhất là do bản thân mình. Lỗi lớn nhất là sự lơ là trong quản trị, không sâu sát, để mọi người tự làm, tin vào lời giải trình của nhân viên thay vì nghe phản hồi của khách hàng."
Cho đến khi Anh Thư nhận ra điều này và tiếp nhận thì "gãy" toàn bộ.
"Tôi lấy lại căn bếp của Vua Cua và vô làm", Anh Thư kể lạị, đồng thời kể từ khi nhận ra sai lầm, nữ CEO không còn bỏ qua bất cứ phản hồi nào của khách hàng và đều xử lý nhân viên triệt để.
Đỉnh điểm trong vấn đề quản trị nhân sự, Anh Thư từng rất áp lực khi bị bêu tên và "chửi" trên các hội nhóm review công ty.
"Thời điểm đó, công ty tôi phải chống chọi với dịch Covid khủng khiếp, âm dòng tiền, tôi bắt buộc phải trả lương nhân viên làm 2 đợt, thay vì trước đây là 1 lần. Có rất nhiều nhân sự, thậm chí đã làm lâu năm, cho rằng tôi đang cướp một thứ gì đó thuộc về quyền lợi của các bạn. Cũng trong thời điểm đó, khoảng 6-8 tháng phải giảm lương nhân viên vì trong giai đoạn dịch không thể bán hàng.", Anh Thư kể lại.
Sau đó, nữ CEO sinh năm 1987 đã ra một quyết định đó là vào năm tiếp theo sau dịch, những người nào còn làm việc sẽ "refund", nghĩa là sẽ hoàn lại số tiền đã bị giảm trừ trong lúc dịch.
"Khi ra quyết định đó, các bạn rất phấn khởi nhưng chính điều đó đã giết chết tôi!", Thư kể, khi cô không đủ khả năng chi trả, thay vì đồng cảm, cô đã bị nhân viên phản ứng rất tiêu cực vì cho rằng số tiền đó là của các bạn, công ty phải có trách nhiệm chi trả.
Anh Thư thừa nhận, khi đó cô rất non kinh nghiệm quản trị và từ những câu chuyện đau lòng đó, cô đã nhận về cho mình nhiều bài học quý giá trong kinh doanh.
Khởi đầu bằng niềm đam mê với kinh doanh và tình yêu dành cho món cua, người sáng lập thương hiệu Vua Cua - Đoàn Anh Thư tìm được vài chỗ cung cấp cua ngon. Do đó, cô bắt đầu vừa bỏ mối cho nhà hàng, vừa bán online qua Facebook, phần để thăm dò thị trường, phần vì không đủ vốn để mở ngay nhà hàng. Cô còn mày mò tự chế biến thêm các loại nước xốt và sơ chế sẵn cho khách hàng. Đơn hàng sau đó ngày một nhiều, Anh Thư biết mình đã đi đúng hướng và nhà hàng Vua Cua đầu tiên xuất hiện.
Năm 2021, CEO Anh Thư cùng ca sĩ Will – cổ đông Vua Cua xuất hiện trong chương trình mở màn Shark Tank mùa 4 để kêu gọi 3,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần. Khi đó, CEO Anh Thư chia sẻ, trong năm 2020, doanh số của Vua Cua dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng vẫn tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận đạt 7 tỷ, tức tăng trưởng nhẹ 10%.
Ngoài mô hình nhà hàng, Vua Cua còn bắt đầu phát triển mô hình lưu động có tên Vua Cua Bike, với chi phí đầu tư chỉ rơi vào khoảng 110 triệu đồng.
Giữa ba lựa chọn mở hầu bao từ Shark Nguyễn Hòa Bình, Shark Phạm Thanh Hưng và Shark Đỗ Liên, Vua Cua quyết định “về đội” Shark Liên do cảm thấy tin tưởng và phù hợp nhất. Kết quả của sự hợp tác này là Shark Đỗ Liên đã 2 lần giải ngân cho Vua Cua.
Lần đầu tiên là tháng 8/2021, khi ngành F&B đang loay hoay với đại dịch Covid-19. Khoản vốn 3,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần khi đó của Shark Liên đã giúp thương hiệu Vua Cua chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ một chuỗi nhà hàng bán cua và bán thức ăn chế biến sẵn sang bán thức ăn sơ chế, bán bánh bao, rau củ quả, thậm chí là thịt cá… để cầm cự mùa dịch.
Lần thứ hai Vua Cua nhận vốn từ Shark Liên là vào tháng 5/2022. Dù Vua Cua chỉ vừa phục hồi doanh số 70% so với giai đoạn trước dịch nhưng Shark Liên vẫn ghi nhận các nỗ lực của đội ngũ và quyết định đầu tư đợt 2 vào đúng kỷ niệm 6 năm thành lập startup.
"Thư lãnh đạo con thuyền khởi nghiệp của mình rất tốt, Thư biết mình muốn gì và cần phải làm gì để đạt được mục tiêu. Tôi trân trọng Thư ở điểm này và sẽ hết mình giúp đỡ Vua Cua ở những chặng đường sắp tới", Shark Liên tiếp tục dành nhiều lời "có cánh" cho CEO Đoàn Thị Anh Thư của Vua Cua khi đề cập đến lý do rót vốn lần hai.
Hiện tại, Vua Cua đã có 5 nhà hàng tại TPHCM và 1 nhà hàng tại Hà Nội (theo thông tin trên website Vua Cua) đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ thống nhượng quyền Vua Cua Bike, Vua Cua Express.
Ngày 5/5 vừa qua, Vua Cua cũng ký kết hợp tác với công ty Uplyft holdings, chuẩn bị mở rộng tại thị trường Mỹ.
Uplyft holdings tiền thân là Uplyft ventures được thành lập từ 2017 bởi founder Đại Nguyện (Arthur), một người Việt sinh sống tại Mỹ. Trong kế hoạch ngắn hạn, Uplyft Holdings sẽ mở 1 nhà hàng Vua Cua vào quý 1/2023 với mô hình chuẩn hóa cho thị trường Mỹ. Ngoài ra, hai bên cùng làm việc để đưa sản phẩm nước xốt vào bán tại các chợ người Việt, tại nền tảng online như Shopify, Amazon và hướng tới các hệ thống siêu thị lớn tại Mỹ như Costco, Walmart...