Với vị thế là quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ được dự báo sắp đón đầu một đợt bùng nổ đầu tư kéo dài hàng thập kỷ. Nhiều chuyên gia phân tích của Goldman Sachs kỳ vọng tỷ lệ trong tổng vốn hoá thị trường của các tập đoàn Ấn Độ sẽ tăng gấp 4 lần từ nay đến năm 2075 và khi đó đồng nghĩa với việc ngang ngửa Trung Quốc. Trong cùng khoảng thời gian đó, thị phần Mỹ dự kiến sẽ giảm một nửa xuống còn 22%.
Ấn Độ và Trung Quốc đều mang lại nhiều cơ hội đầu tư. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sở hữu thị trường tiêu dùng rộng lớn và sản xuất tiên tiến. Ấn Độ trong khi đó lại có quan hệ tốt với phương Tây cùng lực lượng lao động trẻ tiềm năng. Nền kinh tế dự kiến tăng trưởng 6%-7%/năm, một phần nhờ tầng lớp trung lưu mới nổi.
“Ấn Độ có lẽ là một trong những quốc gia có câu chuyện tăng trưởng tốt nhất trên toàn cầu”, Conrad Saldanha, chuyên gia tư vấn đầu tư tại Neuberger Berman, nói đồng thời cho biết Ấn Độ sẽ được hưởng lợi khi ngày càng nhiều công ty tìm kiếm các giải pháp sản xuất thay thế Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Hugues Rialan, giám đốc đầu tư châu Á tại Pictet Wealth Management, lại cho rằng chứng khoán Ấn Độ quá đắt đỏ. “Trong 12 đến 24 tháng tới, chúng tôi thích Trung Quốc bởi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc trở lại”.
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư đang có xu hướng so sánh 2 thị trường châu Á khổng lồ. Cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 được thực hiện bởi các phóng viên Bloomberg đã cho thấy điều đó.
Theo Mark Mobius, co-founder tại Mobius Capital Partners (Dubai), về lâu dài, các yếu tố vĩ mô của Ấn Độ vô cùng thuận lợi.
“Chúng tôi thích APL Apollo Tubes, công ty chuyên về xây dựng và Metropolis Healthcare, một công ty thử nghiệm y tế. Công ty phần mềm Persistent Systems, bản đồ kỹ thuật số CE Info Systems hay Dreamfolks Services, công ty cung cấp dịch vụ tại các sân bay, cũng là sự lựa chọn phù hợp. Trung Quốc khó đạt được mức tăng trưởng cao như trước đây và do đó các cơ hội sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, đó là một thị trường khổng lồ nên chắc chắn sẽ còn nhiều dư địa”, Mark Mobius nói.
Micheal Oh, giám đốc Matthews Asia, thì cho rằng Ấn Độ đang có vị thế tốt, song quy mô thị trường Trung Quốc cũng vô cùng lợi thế.
“Tôi không quá lo lắng về tình trạng dân số già Trung Quốc. Nếu tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người có thể tăng từ khoảng 10.000-12.000 USD hiện nay lên 20.000-30.000 USD, quốc gia này sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc”, Micheal Oh nói.
Theo Hiren Dasani, Giám đốc điều hành Goldman Sachs Asset Management, Singapore, cả 2 thị trường đều sẽ có động lực tốt nếu xét trong dài hạn. “Ấn Độ đối với chúng tôi là một câu chuyện tăng trưởng lâu dài, mạnh mẽ. Đó là một trong những thị trường hội tụ đủ 3 yếu tố quan trọng—quy mô, tăng trưởng và lợi nhuận. Trong khi đó, Trung Quốc thời gian tới sẽ tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước”.
Ayaz Ebrahim, Giám đốc danh mục đầu tư thị trường mới nổi và châu Á Thái Bình Dương, JPMorgan Asset Management, thì cho biết mình thích cả 2 thị trường, song thiên về phía Trung Quốc hơn.
“Chúng tôi thích các công ty đi lên trong chuỗi giá trị. Chúng tôi thấy các công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng như năng lượng tái tạo đang nắm bắt cơ hội phát triển”, Ayaz Ebrahim nói. “Còn ở Ấn Độ, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng sẽ tiếp tục gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Lĩnh vực tiêu dùng cũng được hưởng lợi bởi dân số ngày càng tăng”.
Theo Cecilia Chan, Giám đốc đầu tư khu vực Châu Á Thái Bình Dương, HSBC Asset Management, Ấn Độ sẽ là một điểm sáng nhờ dân số bùng nổ và chính sách hiệu quả. “Chúng tôi đặc biệt ủng hộ lĩnh vực bất động sản, nơi khả năng chi trả đang được cải thiện, nhu cầu mạnh mẽ. Lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân lớn, cũng vậy”.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Jason Pidcock, Giám đốc đầu tư Jupiter Asset Management, London, cho biết dân số trẻ của Ấn Độ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ. “Mặc dù vẫn đang phát triển, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, Ấn Độ là một nền kinh tế kỹ thuật số tiên tiến. Chúng tôi cho rằng lĩnh vực tiêu dùng, tài chính và tiện ích sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”, Jason Pidcock nói.
Theo Partha Sen, giáo sư tại Trường Kinh tế Delhi, trước đây, nhiều quốc gia và công ty “đặt hết trứng vào giỏ Trung Quốc”. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung khiến họ ‘quay xe’ và đa dạng hoá chuỗi cung ứng vào Ấn Độ.
Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng tăng trưởng kinh tế nhờ lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động là vô cùng nhiều. Thị trường tiêu dùng rộng lớn cùng nguồn lao động giá rẻ cũng đang thu hút sự chú ý từ các thương hiệu và đối tác thương mại toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF kỳ vọng quốc gia Nam Á sẽ vượt trội so với tất cả các nền kinh tế lớn mới nổi và tiên tiến trong năm nay với mức tăng trưởng GDP 5,9%. Để so sánh, nền kinh tế Đức và Anh được cho là trì trệ, trong khi Mỹ chỉ tăng trưởng 1,6%.
Do đó, nếu có thể duy trì đà phát triển, Ấn Độ sẽ vượt qua Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2026, sau đó đánh bật Nhật Bản khỏi vị trí thứ ba vào năm 2032, theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh.
Dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ rơi vào khoảng hơn 900 triệu người, theo dữ liệu năm 2021 từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Theo Capital econom, trong vài năm tới, lực lượng lao động trên có thể lớn hơn cả Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn trở thành một phần trong phép màu kinh tế của các bạn,” Donald Lu, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, chia sẻ với hãng thông tấn PTI của Ấn Độ.
Theo: Bloomberg, CNN