Nội dung chính:
- Ngành thép chưa được hưởng lợi nhờ chính sách mở cửa của Trung Quốc, trong khi logistics có dấu hiệu tích cực.
- Ngành dầu khí, xi măng được hưởng lợi, phân bón gặp khó khăn.
- Dòng tiền vào thị trường chứng khoán 2023 phân hóa mạnh, nhưng khó sụt giảm sâu như năm 2022.
Trong chương trình Đi theo dòng tiền do trang Tài chính và Kinh doanh (AFA Research & Education) tổ chức ngày 23/12 có chủ đề Thị trường chứng khoán 2022: Đối đầu sóng gió, ông Lynch Phan – nhà sáng lập của Công ty CP Takeprofit Investment Holdings, có nhiều chia sẻ liên quan đến thị trường chứng khoán và triển vọng các ngành kinh doanh trong thời gian tới.
Trung Quốc mở cửa, cơ hội cho ai?
Chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và xây dựng của Trung Quốc có thể là tin vui với ngành thép nước này. Giá thép cuộn cán nóng và quặng thép tại Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt trong thời gian đất nước 1,4 tỷ dân nới lỏng chính sách Covid-19. Tuy nhiên, theo chuyên gia Takeprofit Investment Holdings, tác động của chính sách mở cửa quốc gia láng giềng lên ngành thép tại Việt Nam cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Tại Việt Nam, giá thép chỉ tăng nhẹ do thị trường tiêu thụ chính của các doanh nghiệp như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim…. về cơ bản vẫn là trong nước. Thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa phục hồi trở lại, do đó ngành thép vẫn tương đối ảm đạm, ông Lynch Phan phân tích.
Các ngành được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa bao gồm: Logistics, xi măng, dầu khí
Trong khi đó ngành bị ảnh hưởng tiêu cực là phân bón. Trung Quốc là quốc gia lớn thứ hai thế giới về xuất khẩu phân bón. Do vậy việc mở cửa Trung Quốc sẽ khiến ngành phân bón Việt Nam và các nước khác bị ảnh hưởng tiêu cực, ông Lynch Phan cho biết.
Một năm sụt giảm của thị trường chứng khoán
“Hơn 10 năm làm nghề, 2022 ghi nhận cú sụt giảm khủng khiếp nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh thị trường chứng khoán giảm 40% về mốc 880 điểm trong vòng nửa năm. Nhiều cổ phiếu chia đôi, chia 3 là bình thường”, ông Lynch nói về thị trường chứng khoán năm 2022 trong chương trình.
Lý giải cho sự sụt giảm trên, nhà sáng lập Takeprofit Investment chia ra làm 2 nhóm.
Thứ nhất, yếu tố tác động bên ngoài chính là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác xoay chuyển chính sách tiền tệ. Khi Fed thắt chặt với gia tốc mạnh, có tháng là 0,75%, có tháng 0,5% làm luồng tiền lưu thông bị hút về Fed.
Nguyên nhân thứ hai là từ nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Số lượng tài khoản mở mới tăng, dư nợ margin tăng nhưng khi thị trường đảo chiều, tình trạng bán giải chấp (call margin) đã xảy ra và nhà đầu tư đua nhau bán tạo ra hiệu ứng domino. Bên cạnh đó, việc Chính phủ mạnh tay trong việc làm trong sạch thị trường chứng khoán cũng tác động lên thị trường. Trái chủ mua lại trái phiếu trước hạn, doanh nghiệp lấy luồng tiền khác để bù đắp. Nhiều doanh nghiệp thậm chí phải bán cổ phiếu đi để thanh khoản cho trái phiếu, khiến thị trường càng giảm sốc.
Năm 2022 sắp qua đi, vậy năm 2023, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ như thế nào.
Dòng tiền khó quay trở lại mạnh mẽ vào năm 2023
Ông Lynch Phan chia dòng tiền thành 3 nguồn.
Thứ nhất là dòng tiền từ khối ngoại. Trong một tháng qua, dòng tiền từ khối ngoại khoảng đổ vào thị trường khoảng 1 tỷ USD, nâng đỡ cho thị trường chứng khoán trong thời gian qua.
Quý II/2020 khi Covid-19 đang hoành hành, quý ngoại mua ròng. Quý II năm nay, khối ngoại cũng mua ròng. Năm 2023, chỉ số Index có thể ở vùng cao hơn nên đà mua ròng của khối ngoại có thể chậm lại.
Thứ hai là dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân với giá trị giao dịch chiếm khoảng 80% thị trường. Trong đợt thị trường sụt giảm vừa rồi, nhiều nhà đầu tư vẫn còn e ngại. Bên cạnh đó, lãi suất đang ở mức quanh 10% - là mức tương đối cao, khiến dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán và quay về ngân hàng. Dòng tiền này, theo ông Lynch Phan, sẽ dè dặt vào 2023, trừ những người muốn đầu tư dài hạn 2-3 năm.
Thứ ba là dòng tiền từ tổ chức. Trong thời gian Covid-19 vào năm ngoái, các tổ chức có tiền nhàn rỗi đã đầu tư vào chứng khoán. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã khác, doanh nghiệp gặp khó và đang phải tập trung vào mảng kinh doanh chính của mình. Do đó, dòng tiền từ nguồn này sẽ khó khăn.
“Nhìn chung, dòng tiền vào chứng khoán 2023 sẽ có sự phân hóa, đi ngang nhưng khó sụt sâu như 2022”, ông Lynch kết luận.
Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.