Trung Quốc ‘gỡ bom’ trái phiếu doanh nghiệp bằng các giải pháp thị trường

Quỳnh Anh | 08:19 14/10/2022

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu và người nắm giữ trái phiếu đã tự thỏa thuận các phương thức thanh toán có lợi cho cả hai bên.

Trung Quốc ‘gỡ bom’ trái phiếu doanh nghiệp bằng các giải pháp thị trường
Sự kiện Evergrande - “ông trùm” bất động sản Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu gây chấn động ngành địa ốc nước này. (Ảnh: Financial Times)

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinRatings nhận định, giá trị của các vụ vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc vào năm 2022 gấp hơn 2 lần so với tổng giá trị cả năm 2021. Cuộc khủng hoảng nợ gia tăng trên thị trường bất động sản đã tràn sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Tính đến tháng 9/2022, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Trung Quốc đạt 6,5 nghìn tỷ USD, tương đương 78,3% GDP 6 tháng đầu năm 2022 (hơn 8,3 nghìn tỷ USD). Trong đó, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu - chỉ tình trạng doanh nghiệp không thể thu xếp nguồn tiền để thanh toán tiền gốc và lãi khi đến hạn - là 1,35%, theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Thế nhưng, 76% số trái phiếu vỡ nợ tại Trung Quốc đều tự giải quyết bởi các thành viên thị trường, không cần thông qua thủ tục tòa án hoặc cơ quan quản lý. 

Ông Thuân nhắc đến 2 giải pháp được áp dụng phổ biến tại thị trường TPDN Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu cho nhà đầu tư. 

“Hàng đổi hàng” 

Đây là giải pháp được ứng dụng rộng rãi tại Trung Quốc. Cụ thể, trái chủ có thể yêu cầu hoặc doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu bằng hàng hóa của của công ty. Số lượng trái phiếu đến hạn sẽ được thanh toán bằng sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị tương đương, thay vì tiền mặt. 

Doanh nghiệp chuyển đổi trái phiếu thành bất động sản như căn hộ, đất phân lô, thậm chí là biệt thự và chi trả cho nhà đầu tư. 

Giá trị bất động sản thường cao hơn số dư trái phiếu nên doanh nghiệp có thể kết hợp một nhóm trái chủ và chuyển đổi thành cùng sở hữu lô đất đó. Tuy nhiên, việc nhiều người cùng đứng tên trên giấy tờ đất sẽ gây ra nhiều vướng mắc trong quá trình giao dịch. 

Ngoài ra, pháp lý của dự án hay bất động sản cũng là một yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư nên xem xét cẩn trọng, đánh giá kỹ càng để đảm bảo chuyển đổi an toàn. Bằng không, nhà đầu tư sẽ từ nắm giữ khoản cho vay rủi ro sang sở hữu một loại tài sản khác rủi ro hơn. 

Thu xếp giãn nợ

Nhìn vào tình trạng chủ đầu tư mua trái phiếu Tân Hoàng Minh “mất ăn mất ngủ”, kêu gào quyền lợi sau vi phạm của công ty này, các doanh nghiệp cần đưa ra phương án kịp thời nhằm trấn an nhà đầu tư ngay khi có bất kỳ biến động nào xảy ra. 

Nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh “kêu cứu” Bộ tài chính. (Ảnh: Zing News)

Phương án thu xếp giãn nợ hiện rất phổ biến tại thị trường trái phiếu Trung Quốc. 

Thay vì ép buộc các doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư có thể yêu cầu đại diện chủ nợ hoặc đơn vị phân phối đàm phán với doanh nghiệp để thực hiện giãn kỳ hạn trả nợ. 

Bằng cách kết hợp thanh toán một phần hoặc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu, hành động kịp thời của doanh nghiệp sẽ giúp bình ổn tâm lý và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Giải pháp này vừa giải quyết được khó khăn cho chính doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư vừa không phải bán tháo, cắt lỗ và có cơ hội thu hồi khoản đầu tư trái phiếu trong tương lai. 

Tùy theo mức độ rủi ro và triển vọng của dự án, nhà đầu tư có thể đàm phán giữ nguyên lãi suất hoặc tăng lãi suất trái phiếu sau khi đánh giá hoặc thỏa thuận lại. 

Với phương án chuyển đổi và đàm phán giãn nợ, từ 2018 đến giữa năm 2022, 46/142 lô TPDN quốc tế của Trung Quốc (sở hữu bởi nhà đầu tư nước ngoài) được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản bị vỡ nợ đã được giải quyết êm thấm. 

Tại thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc, hơn 46% lô trái phiếu vỡ nợ của các doanh nghiệp bất động sản cũng đã xử lý ổn thỏa. 

Cách Trung Quốc "gỡ bom" trái phiếu doanh nghiệp mang lại bài học cho các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, ông Thuân nhận định.

Về cơ bản, để xây dựng thị trường TPDN an toàn và minh bạch, đòi hỏi sự chung tay của các bên liên quan. Tổ chức phát hành cần chủ động thực hiện nghĩa vụ nợ và minh bạch thông tin, các định chế tài chính (công ty tư vấn và phân phối, đơn vị quản lý tài sản thế chấp) phải có trách nhiệm và chủ động vào cuộc. 

Nhà đầu tư cũng nên có cho mình những hiểu biết về thị trường và doanh nghiệp trước khi quyết định nắm giữ bất kỳ loại hình trái phiếu nào, đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn và đảm bảo quyền lợi của mình.  

Đồng thời, sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước với những biện pháp cụ thể, rõ ràng sẽ giải quyết phần nào những tác động tiêu cực từ rủi ro TPDN trong thời gian qua. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Trung Quốc ‘gỡ bom’ trái phiếu doanh nghiệp bằng các giải pháp thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO