Trung Quốc dừng nhập thuỷ sản từ Nhật, cổ phiếu thuỷ sản IDI, ACL, VHC… như “cá gặp nước” nhưng thực tế DN có hưởng lợi?

Tri Túc | 14:40 29/08/2023

Do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều khác biệt, nên chuyên gia cho rằng mức độ tác động từ thông tin trên lên doanh nghiệp trong nước có thể sẽ “không quá lớn”.

Trung Quốc dừng nhập thuỷ sản từ Nhật, cổ phiếu thuỷ sản IDI, ACL, VHC… như “cá gặp nước” nhưng thực tế DN có hưởng lợi?

Trong tuần qua, thông tin Trung Quốc dừng nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản đã giúp cho nhóm cổ phiếu thuỷ sản dậy sóng mạnh mẽ. Được biết, Trung Quốc bất ngờ ra quyết định vài giờ sau khi Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương. Trước đó, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 trên 47 tỉnh Nhật Bản vào tháng 7.

Năm ngoái, nước này nhập khẩu hơn 500 triệu USD thủy hải sản từ Nhật Bản. Ngoài ra, Trung Quốc còn mua thủy sản từ các nước khác bao gồm Ecuador, Nga và Canada.

Với Việt Nam, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai. Do đó, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản có thể là cơ hội lớn cho ngành thủy sản trong nước những tháng cuối năm.

Phản ứng nhanh như “cá gặp nước”, trong tuần trước, mã IDI (CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I) và ACL của Thuỷ sản Cửu Long An Giang đã có phiên kịch trần với dư mua lớn. Các cổ phiếu còn lại như VHC (Thuỷ sản Vĩnh Hoàn), MPC (Thuỷ sản Minh Phú), ANV (Navico)… cũng tăng gần hết biên độ.

thuy-san2.png

Đây là đợt tăng hiếm hoi của nhóm thuỷ sản suốt một quý qua, khi hầu hết các mã đã giảm 18-20% so với mức đỉnh (trong năm) hồi tháng 6/2023. Thực tế, suốt 7 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh ảm đạm cũng kéo chậm đà phục hồi của nhóm thuỷ sản trên sàn, thanh khoản ở mức thấp.

Câu hỏi đặt ra, liệu thông tin bất ngờ trên có thực sự đem về cơ hội có được đơn hàng Trung Quốc cho doanh nghiệp nửa cuối năm, trong bối cảnh mọi dự báo đều bi quan khi nhu cầu toàn cầu sụt giảm mạnh?

Cơ hội không lớn và không dành cho tất cả

Theo chia sẻ của người trong ngành, thực tế thông tin Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật chỉ là một yếu tố nhỏ để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc. Bởi,

+ Thứ nhất: những nước cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc là Ecuador, Ấn Độ và Nga chứ không phải Nhật Bản.

Trong đó, tờ Reuters mới đây cũng nhấn mạnh Nga đã nhanh chóng lên kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện, Nga là một trong những nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc với 894 công ty Nga được cấp phép.

+ Thứ hai, do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều sự khác biệt, nên chuyên gia cũng cho rằng mức độ tác động từ thông tin trên lên doanh nghiệp trong nước có thể sẽ“không quá lớn”. 

Hiện, phần lớn thủy sản Trung Quốc nhập từ Nhật Bản là các loại giáp xác và động vật thân mềm; còn 2 sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là tôm và cá tra. Như vậy, trong bối cảnh này, tôm được kỳ vọng là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất.

Dữ liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc còn cho thấy, lượng tôm nước ấm được Trung Quốc nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 502.600 tấn với kim ngạch đạt 2,84 tỷ USD, tăng 49% về khối lượng và tăng 29% về mặt giá trị.

Ở mặt hàng tôm, Việt Nam phải đối mặt với đối thủ mạnh là Ecuador. Dù vậy, trao đổi với báo giới, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: "Cục diện thị trường đang có nhiều tín hiệu tốt khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của tôm Việt Nam là Ecuador đã bắt đầu cạn dần sản lượng. Vì thế nguồn hàng của nước này trong những tháng cuối năm sang Trung Quốc sẽ giảm bớt".

Thực tế cho thấy, xuất khẩu tôm của nước ta sang Trung Quốc và Hồng Kông trong tháng 7 ghi nhận tháng tăng trưởng dương thứ hai kể từ đầu năm với mức tăng 49%.

Trên thị trường, cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta đang dẫn đầu đà tăng với hơn 36%. FMC hiện có sản phẩm chủ lực là tôm, giữa tháng 7 vừa qua Công ty đã thả giống xong khu mới. Khu cũ đang thả giống vụ hai, dự kiến 5/8 hoàn tất việc thả giống.

cp.png

Bức tranh chung còn kém sắc

Tổng quan, doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang hồi hộp chờ đợi tín hiệu nửa cuối năm, khi 6 tháng nhu cầu từ các khách hàng lớn sụt giảm (một phần do kinh tế suy thoái, phần còn lại do tồn kho tích luỹ giai đoạn Covid-19 còn nhiều).

Thống kê các doanh nghiệp niêm yết quý 2/2023 và nửa đầu năm, hầu hết công ty đều tăng trưởng âm, cá biệt có Thuỷ sản Minh Phú báo lỗ 34 tỷ đồng sau 6 tháng (trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi đến 274 tỷ đồng).

thuy-san.png

Trước khi có luồng thông tin dừng nhập từ Nhật, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã và đang cố gắng tăng tốc xuất khẩu vào Trung Quốc trong các tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không như kỳ vọng trong các tháng tới có thể làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản vào thị trường chủ lực này.


(0) Bình luận
Trung Quốc dừng nhập thuỷ sản từ Nhật, cổ phiếu thuỷ sản IDI, ACL, VHC… như “cá gặp nước” nhưng thực tế DN có hưởng lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO