Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng của thế giới, vậy nên, gi gỉ gì gi cái gì cũng bán. Bạn có thể mua mọi thứ trên đời tại một khu chợ tên Nghĩa Ô - nơi được World Bank công nhận là chợ lớn nhất thế giới với diện tích lên tới hơn 4 triệu m2.
Một nhà báo của CNN cho biết phải mất 4 ngày để đi một vòng quanh khu chợ. Còn để ngắm nghía, tìm hiểu kỹ các mặt hàng, thì sẽ tốn cả tuần, thậm chí cả tháng. Cũng bởi chợ Nghĩa Ô có tới 75.000 gian hàng, 100.000 nhà cung cấp trưng bày 400.000 sản phẩm và xuất khẩu đi hơn 200 quốc gia.
Người ta thường nói vui, rằng chỉ cần nghĩ đến mặt hàng nào là Nghĩa Ô có ngay mặt hàng đó. Bạn có thể tìm thấy mọi thứ tại khu chợ khổng lồ này từ quần áo, đồ gia dụng, hàng điện tử, đồ chơi,... đặc biệt là hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng.
Do chủ yếu bán hàng số lượng lớn theo thùng, kiện, thậm chí container, giá bán buôn tại chợ Nghĩa Ô rất rẻ, thậm chí thấp hơn cả ở Quảng Châu - thành phố buôn bán sầm uất nức tiếng thế giới. Thông thường, khách chỉ tới đây để xem hàng, sau đó chúng sẽ được gửi tới họ qua một hệ thống logistic đồ sộ và chuyên nghiệp.
Để “chốt” được những đơn hàng lớn như vậy, các thương nhân Trung Quốc nằm lòng rất nhiều bí quyết, và trên hết, là kỹ năng sales thượng thừa. Thậm chí, có người nói rằng thương nhân Trung Quốc là những người “khó bị đánh bại nhất thế giới”. Họ sở hữu bộ gene kinh doanh xuất sắc, vậy nên, bán gì cũng hơn người.
“Ông hoàng son môi” Li Jiaqi - nhân vật bán hàng livestream nức tiếng từng được tạp chí Time đưa vào danh sách “2021 Time 100 Next” là ví dụ điển hình. Năm 2019, anh chàng người Trung Quốc này đã chốt đơn 145 triệu USD qua mạng Taobao trong lễ hội mua sắm Singles’ Day. Chỉ tính riêng số son môi là 15.000 thỏi.
Daisy, Giám đốc nội dung của trang Goldthread2 nhận xét, khách hàng rất tin tưởng Li bởi anh có thể đưa ra những đánh giá rõ ràng về sản phẩm. “Anh ấy có thể tư vấn rằng loại son này thì phù hợp hơn với màu da nào một cách cụ thể. Suýt thì tôi đã mua một thứ gì đó nếu không kịp ngăn mình lại”, Daisy cho biết.
Hồi năm 2021, trong ngày đầu tiên của chuỗi lễ hội mua sắm cuối năm kéo dài hơn 3 tuần do tập đoàn thương mại điện tử Alibaba tổ chức, dữ liệu thống kê ban đầu của Taosj.com cho biết Li đã bán được rất nhiều sản phẩm với tổng trị giá 12 tỷ nhân dân tệ - con số kỷ lục vào thời điểm đó trên chợ trực tuyến Taobao.
Không chỉ là người bán son môi giỏi nhất Trung Quốc, Li còn sử dụng son môi rất lão luyện. Năm 2019, anh lập kỷ lục Guinness đánh son môi nhanh nhất, đánh 4 mẫu màu khác nhau chỉ trong 30 giây. Kỹ năng này đúc kết được sau suốt quá trình livestream bán hàng, kh Li luôn thử son trên môi - thay vì trên cánh tay như hầu hết các blogger làm đẹp khác.
Được biết, Li đã từng thử trên 380 thỏi son khác nhau trong một livestream kéo dài 7 giờ đồng hồ. Trong thời gian làm việc, Li không được nghỉ ngơi ngoại trừ thời gian ăn uống và đi vệ sinh. Chính anh cũng từng chia sẻ vì phải online thường xuyên nên không thể có cuộc sống bình thường như trước.
Theo SCMP , người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, rất thích tương tác với mạng xã hội, đồng thời hoan nghênh cơ hội để mua sắm tiết kiệm thông qua livestream. Điều này thúc đẩy đại lục phát triển hơn nữa các hoạt động truyền phát để gia tăng doanh thu bán hàng.
Đơn cử như mới đây, thành phố Thâm Quyến đã công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm livestream bán hàng điện tử mới mang quy mô toàn cầu, theo SCMP. Dự án được kỳ vọng có thể kích cầu tiêu dùng và thu về 300 tỷ nhân dân tệ (43,7 tỷ USD) doanh thu vào năm 2025.
Cùng với mục tiêu mở rộng ngành công nghiệp bán hàng online thông qua livestream truyền phát trực tiếp, Thâm Quyến tham vọng tự xây dựng hoặc thu hút ít nhất 100 doanh nghiệp hàng đầu đến hợp tác trong 3 năm. 50 tòa nhà cũng được lên kế hoạch xây dựng để phục vụ “khu công nghiệp all in one”, tức tất cả trong một, từ thiết bị livestream, thiết kế bối cảnh, khu chỉnh sửa hậu kỳ…
Các doanh nghiệp bán quần áo, mỹ phẩm, trang sức hay các mặt hàng công nghệ là những bên được lợi lớn nhất từ chính sách hỗ trợ chuỗi cung ứng. Họ sẽ được hỗ trợ xây dựng địa điểm trưng bày, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà bán lẻ trực tuyến, đồng thời tối giản hoá quy trình vận chuyển, phân phối hàng hóa.
“Livestream bán hàng là một mô hình kinh doanh mới, song đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khôi phục nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng”, Hiệp hội Thương mại thành phố Thâm Quyến cho biết.
Tính đến cuối tháng 11/2022, Thâm Quyến có khoảng 9.260 người dẫn chương trình livestream với doanh thu đạt 152 tỷ nhân dân tệ (22 tỷ USD) kể từ đầu năm, theo Shenzhen Economic Daily. Với dự án mới, thủ phủ này hy vọng kêu gọi được thêm 3.000 livestreamer và 10.000 nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp để mở rộng thị trường thương mại điện tử.
Theo: SCMP