Chiều ngày 3/11/2022, Trung Nam Group lần đầu tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư để chia sẻ về tiềm năng ngành năng lượng tái tạo (NLTT), cũng như tình hình kinh doanh của Công ty.
Sự kiện diễn ra sau nhiều tin đồn không tích cực liên quan đến khả năng thanh toán khoản trái phiếu của Tập đoàn tại VNDirect cũng như việc mua điện từ EVN.
Hơn 6.500 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2023
Trung Nam Group hoạt động chính trong mảng NLTT, đã và đang triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời với tổng vốn đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng. Tổng công suất hiện tại vào mức 1,6 GW, dự kiến sẽ tăng gần gấp ba lần đến năm 2026, tập trung vào dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi. Tương ứng, doanh thu dự đạt 1 tỷ USD vào năm 2026.
Chia sẻ tại sự kiện, đại diện Trung Nam cho biết phát triển NLTT hiện không chỉ để bù đắp cho sự thiếu hụt điện quốc gia, mà NLTT còn là phương án thay thế cho vấn đề của nguồn điện khí trước việc giá LNG đang tăng cao.
Còn việc niêm yết lên sàn, theo Trung Nam Group, mảng NLTT tiềm năng cao nhưng ít DN niêm yết TTCK. Trong khi nhìn sang Thái Lan thì dư địa tại Việt Nam rất cao, hay Đài Loan vài năm trở lại đây cũng có nhiều chính sách khuyến khích DN NLTT…
Để phục vụ phát triển, nhóm các đơn vị thành viên của Trung Nam Group liên tục phát hành trái phiếu, huy động vốn. Theo thống kê, tổng huy động trái phiếu tính đến hiện tại gần 34.000 tỷ đồng, kể từ năm 2019.
Riêng từ đầu năm 2022, Trung Nam Group đã trải qua 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động 3.230 tỷ đồng.
Nói về lý do huy động dồn dập lượng trái phiếu lớn trong thời gian ngắn, đại diện Công ty mới đây cho biết, hiện Trung Nam Group có 14 nhà máy điện, tổng sản lượng điện đang phát lên lưới là 4,3 tỷ Kwh hàng năm nên nhu cầu vốn lớn.
Hiện tại, tổng dư nợ trái phiếu của Trung Nam là 30.718 tỷ đồng, trong đó CTCP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 chiếm đến 1/3 giá trị lưu hành với 10.170 tỷ đồng. Theo sau là Cty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, CTCP Trung Nam, CTCP Điện mặt trời Trung Nam...
Về giá trị đáo hạn, hơn 6.500 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2023 sắp tới. Hơn 3.500 tỷ đáo hạn vào năm 2024, 2.500 tỷ đáo hạn năm 2025 và từ năm 2026 đến 2035 là thời gian đáo hạn của số dư nợ còn lại.
Dự kiến vào năm sau, Trung Nam Group có thể hợp tác với một nhà đầu tư nước ngoài để tham gia đấu thầu dự án điện khí LNG với công suất 1.500 MW tại tỉnh Ninh Thuận. Song song, Công ty dự kiến huy động gần 1 tỷ USD để tiếp tục phát triển các dự án năng lượng tái tạo, cũng như tham gia huỷ động vốn trên thị trường chứng khoán.
“Công ty đang có quỹ đất gần 600ha, đã giải phóng mặt bằng. Đây là quỹ đất tích luỹ nhờ làm các dự án BOT trước kia, và sẽ chuyển thành tiền mặt”, đại diện chia sẻ thêm tại sự kiện hôm nay.
"Để giữ cương vị hoa hậu rất khó"
Thảo luận với các nhà đầu tư
1. Trung Nam làm sao mà có thể triển khai loạt dự án NLTT chỉ trong giai đoạn ngắn?
Tổng Giám đốc Nguyễn Tâm Tiến: Trung Nam bước vào ngành năng lượng như anh đấm “boxing” ở quê lên, đấm một ngày tự nhiên thành dẫn đầu. Hiện Trung Nam như hoa hậu, và để giữ cương vị hoa hậu rất khó.
Cơ sở để Tập đoàn có được hôm nay có thể nói nhờ công tác chuẩn bị kỹ với Đội ngũ Trung Nam trẻ khát vọng; Khổ luyện; Kỹ thuật, ban lãnh đạo luôn khuyến khích sáng tạo; Kỷ luật, khi có lệnh là tất cả nhân viên đều lên đường.
2. Việc các dự án NLTT dở dang khi không kịp giá ưu đãi và đang đợi chính sách giá tiếp theo, Trung Nam có đánh giá gì?
BĐS làm 20% thu được tiền, còn NLTT phải làm xong mới thu được tiền. Cái hấp dẫn của mảng này là giá trị anh làm được vẫn mãi còn đó, “không ô không uế đi đâu cả”.
Chưa kể, nhu cầu sử dụng điện Việt Nam cao, trong khi giá điện lại thấp nhất (so với khu vực có Philippines gấp đôi, Thái Lan cũng gấp
rưỡi nước ta).
3. Việc huy động vốn ngoại trong bối cảnh lãi suất tăng, tỷ giá biến động của Trung Nam có bị ảnh hưởng gì không?
Nói về việc tài trợ cho NLTT thì các ngân hàng trên thế giới luôn ưu tiên cấp. Với quy mô hiện tại, Trung Nam hoàn toàn có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngoại. Kể cả thị trường vốn có nhiều vấn đề thời gian qua, thì khẩu vị cho tín dụng liên quan đến “xanh” vẫn có.
Nguồn thu của Trung Nam cũng là ngoại tệ, nên việc vay USD đồng bộ với doanh thu thì việc tỷ giá lên xuống thời gian qua cũng không tác động đến Công ty nhiều.
4. Nhiều thông tin Trung Nam đang gặp vấn đề thanh khoản về trái phiếu, Công ty có phản hồi gì?
Đầu tiên phải nhìn lại dòng tiền, Trung Nam hiện đang huy động nhiều kênh tín dụng ngân hàng, đối tác, trái phiếu… Không hiểu tại sao nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến trái phiếu.
Hiện, trái phiếu tại Trung Nam chủ yếu là từ các định chế tài chính, và khi huy động đã được thẩm định rất kỹ. Và Trung Nam vẫn đang làm tốt, nếu không thì đã hiển thị cảnh báo từ các chủ nợ rồi.
5. Việc EVN dừng mua điện từ Trung Nam đã làm Công ty thiệt hại như thế nào?
Dù Trung Nam rớt ra nhưng theo quy định Trung Nam vẫn còn trong trường hợp được ưu đãi, và đang trong tiến trình đàm phán giá ưu đãi mới.
Việc của Trung Nam là tiếp tục theo đuổi và kiến nghị với bên liên quan. Theo thỏa thuận là 20 năm, mình phát được 2 năm rồi. Vấn đề là có thể Trung Nam phải đợi lâu thôi.
Nói về ảnh hưởng thì dĩ nhiên là có, nhưng Trung Nam cân đối được. 172MW này thực tế chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng của Trung Nam.