Thế giới phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng số đang bùng nổ. Điều này tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng. Do đó, đổi mới được đánh giá là yếu tố tất yếu của các doanh nghiệp để theo được guồng quay của quy luật chung.
Thực tế, thế giới đang thay đổi từng ngày. Nếu Nokia là thương hiệu điện thoại hàng đầu trong những năm 1990 và giữ ngôi vương suốt 20 năm trên thị trường, thì cũng không thể ngờ được sự bùng nổ của công nghệ hiện đại đã tạo nên kỳ tích Apple và Samsung. Hay Grab - công ty vận tải khổng lồ - mà không sở hữu chiếc xe nào; Facebook - nhà sở hữu phương tiện truyền thông phổ biến nhất thế giới - không tạo ra nội dung nào; thậm chí Alibaba được mệnh danh là nhà bán lẻ có giá trị lớn nhất thế giới song không có tí hàng lưu kho nào…
Những ví dụ trên là minh chứng cho tầm quan trọng của yếu tố luôn luôn thay đổi, thích ứng với thời cuộc để dẫn đầu xu thế. Chưa kể, trong bối cảnh thế giới biến động từng ngày, tất cả các yếu tố khách quan và chủ quan đều có tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.
Nhìn chung, đổi mới, sáng tạo mang tính chất sống còn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và đặc biệt trước làn sóng của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra hiện nay. Đó cũng là nội dung được các chuyên gia, lãnh đạo chia sẻ trong sự kiện Đổi mới để phát triển do Newing tổ chức hôm 7/3/2024 vừa qua.
Tham gia chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Huy Quý - Giáo sư, Chủ nhiệm khoa chiến lược Insead - đã có những chuyên sẻ tâm đắc về tầm quan trọng của đổi mới và đặc biệt là nghệ thuật, cách thức dẫn dắt sự đổi mới của doanh nghiệp.
Lấy ví dụ về hãng ô tô lớn của Nhật là Nissan. Theo ông Huy năm 1999, Nissan gần như sắp phá sản khi không có đổi mới gì trong suốt 10 năm, đáng nói hơn là trong nội bộ thậm chí có văn hóa phản đối sự thay đổi.
“Tuy nhiên, Carlos Ghosn, đến từ Renault của Pháp, đã có thể biến Nissan thành một công ty có lợi nhuận và sức sáng tạo chỉ trong vòng 3 năm. Ông đã làm điều đó như thế nào?”, ông Huy mở đầu vấn đề và đưa ra trình tự của một cuộc đổi mới tại hãng xe thâm niên của Nhật này.
Trước hết, “xã hội hoá”: Carlos được biết đã bắt đầu Viếng thăm nhân viên, kỹ sư, đại lý, khách hàng. Tại đây, ông đã trấn an rằng Nissan sẽ vẫn là đậm chất người Nhật.
Tiếp đến là “ra lệnh”: tức thay đổi tiêu chí thăng tiến sự nghiệp, không phân biệt độ tuổi, giới tính, quốc tịch. Hơn hết, Nissan cũng mạnh tay sa thải những nhà quản lý kém hiệu quả, thống kê bởi ông Huy Nissan lúc bấy giờ đã cắt giảm 14% (tương đương 21.000 nhân viên).
Thứ ba là bước “giảng dạy”: Carlos được biết đã từ chối đề xuất ban đầu của nhóm quản lý vì không đủ tham vọng, khuyến khích tranh luận cởi mở và bất đồng. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh các hành động nhanh chóng và theo sát chặt chẽ như: Tối ưu hóa các dự án R&D, Chuyển sang mô hình hoạt động toàn cầu (thay vì cục bộ từng quốc gia) và thiết kế, ra mắt 22 mẫu xe mới.
Trong hành trình thay đổi đó, có một điều mà ông Huy nhấn mạnh là: Hành trình này đòi hỏi việc quản lý phần cảm xúc với con người, cụ thể đội nhóm cần cảm thấy an toàn để chia sẻ và giao tiếp thẳng thắn và kết nối với những người lãnh đạo và cộng sự của mình.
Về phía Nissan, vượt qua khủng hoảng nhờ thay đổi, thương hiệu đến nay tiếp tục là một trong ba đối thủ Nhật (cùng với Toyota, Honda) hàng đầu của "3 đại gia" sản xuất xe hơi của Mỹ. Hiện tại, Nissan là nhà sản xuất xe ô tô lớn thứ ba của Nhật Bản.