Thu thập thông tin
Theo dự thảo “Việc thu thập thông tin có thể do thẩm định viên trực tiếp thực hiện hoặc được giao do trợ lý thẩm định viên thực hiện theo phân công của lãnh đạo doanh nghiệp thẩm định giá và hướng dẫn của thẩm định viên (sau đây gọi chung là người thu thập thông tin). Người thu thập thông tin chịu trách nhiệm về việc thu thập thông tin do mình thực hiện.
Ông Võ Văn Anh chỉ ra; như vậy Dự thảo có đề cập tới vai trò của trợ lý thẩm định viên là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, vì hiện nay đa phần việc thực hiên công việc thẩm định giá tại các hồ sơ thẩm định giá cụ thể, đã và đang có sự tham gia của trợ lý thẩm định viên.
Tuy nhiên nên cần phải cụ thể hóa, quy định chi tiết, cũng như nên làm rõ những vấn đề sau:
Thứ 1: Cần thống nhất tên gọi chức danh là Trợ lý thẩm định viên hay Chuyên viên thẩm định giá,.... vì ở tại tiêu chuẩn thẩm định giá đang dự thảo này thì gọi là trợ lý thẩm định viên nhưng ở tại tiêu chuẩn đang dự thảo khác lại gọi là chuyên viên thẩm định giá,... như vậy về mặt hình thức chưa được sự thống nhất, nên việc giao thiệp hay trình bày trên văn bản cũng sẽ gây lúng túng và thiếu tính chuyên nghiệp.
Thứ 2: Cần chuẩn hóa, quy định các điều kiện cụ thể đối với Trợ lý thẩm định viên và phải có đáp ứng điều kiện thì mới được thực hiện công việc. Hiện nay, Luật đã quy định về Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá cụ thể theo Luật giá số 11/2012/QH13 tại “Điều 34. Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá: Có năng lực hành vi dân sự; Có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, khách quan; Tốt nghiệp đại học chuyên ngành liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá; Có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 tháng trở lên sau khi có bằng tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành quy định theo quy định; Có chứng chỉ đã qua đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá do cơ quan có thẩm quyền cấp; Có Thẻ thẩm định viên về giá theo quy định của Bộ Tài chính”.
Như vậy tiêu chuẩn Trợ lý thẩm định viên trong dự thảo cũng phải có quy định chuẩn, họ là cá nhân làm thay công việc của Thẩm định viên về giá, tuy nhiên không phải cá nhân nào cũng được làm và thực hiện công việc được hơn nữa việc thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá là yêu cầu bắt buộc và là việc cực kỳ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của kết quả thẩm định giá, đặc biệt thực tế gần đây tình trạng Thẩm định viên về giá đã đạt chuẩn theo Luật nhưng lại hành nghề chưa chuẩn, chưa phù hợp với quy định do đó việc quy định chuẩn đối với Trợ lý thẩm định viên lại càng cần phải xem xét bổ sung và cụ thể hóa, tránh nhưng hậu quả khó lường phía trước có thể xảy ra.
Thứ 3: “Người thu thập thông tin chịu trách nhiệm về việc thu thập thông tin do mình thực hiện” là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên không vì thế mà thẩm định viên hướng dẫn lơ là thiếu kiểm tra, giám sát, cho nên thiết nghĩ cần quy định thêm trách nhiệm kiểm tra, giám sát của thẩm định viên.
Trong dự thảo có quy định “Thông tin thu thập phải đầy đủ, bảo đảm khách quan và trung thực đúng theo thực tế đã thu thập”. Thực tế hiện nay đối với thông tin pháp lý hoặc thông tin qua khảo sát thực tế của tài sản thẩm định giá chỉ có thể được cung cấp từ khách hàng thẩm định giá, người hướng dẫn khảo sát hoặc bên có liên quan.
Đơn cử thông tin do khách hàng cung cấp trên thực tế thì rất nhiều thông tin không thể đối chiếu, không thể kiểm chứng được tính đầy đủ, hay là thông tin có được qua khảo sát từ thị trường cũng vậy, do đó không thể quy định “thông tin thu thập phải đầy đủ” và Đề nghị: bỏ cụm từ "phải đầy đủ" vì không biết thế nào là đầy đủ hoặc phải được làm rõ thế nào là “Thông tin thu thập phải đầy đủ”.
Các nguồn thông tin thu thập
Ông Võ Văn Anh cho rằng, trong Điều 4 của dự thảo cần bổ sung trường hợp thông tin về tài sản chưa đầy đủ và/hoặc ngoài khả năng của thẩm định viên như việc xác định tỷ lệ chất lượng còn lại, chuyên gia… đề nghị bổ sung:
Thông tin từ các tổ chức giám định chất lượng đã thực hiện được khách hàng cung cấp và hoặc thực hiện theo yêu cầu của Thẩm định viên có sự đồng ý của khách hàng hoặc theo quy định pháp luật (nếu có).
Thông tin từ tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn kỹ thuật, tư vấn thiết kế độc lập thực hiện thiết kế kỹ thuật, xây dựng dự toán, lập dự toán,... của tài sản đề nghị thẩm định giá do Khách hàng chỉ định.
Thông tin từ chuyên gia, cộng tác viên do Thẩm định viên chỉ định, đề xuất hợp tác hỗ trợ nghiệp vụ thẩm định giá.
Thông tin từ Trung tâm dữ liệu quốc gia và dịch vụ về giá – Bộ Tài chính.
Tại điểm c Điều 4 dự thảo quy định:“Thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở trung ương và địa phương” nên sửa thành; “Thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở trung ương và địa phương; các văn bản quản lý đơn giá, định mức chuyên ngành có liên quan đến đối tượng phạm vi áp dụng là tài sản thẩm định giá trong đó phải nêu rõ văn bản nào áp dụng, văn bản nào vận dụng đối với tài sản cụ thể”
Hình thức thu thập thông tin
Theo dự thảo “Đối với những hình thức thu thập mà thông tin thu thập từ trên mạng Internet, người thu thập thông tin phải dẫn chiếu cụ thể các đường link liên kết đến thông tin thu thập, chụp ảnh và in màn hình máy tính về thông tin đã thu thập, đồng thời lập phiếu thu thập thông tin về nội dung này. Phiếu thu thập thông tin phải có chữ ký của người thu thập thông tin”.
Về nội dung này, ông Võ Văn Anh cho rằng cần làm rõ hình thức này là thu thập thông tin đối với tài sản thẩm định giá hay gồm cả đối với tài sản so sánh hay là nguồn thông tin từ Internet,...
Hơn nữa quy định này chỉ nêu được một hình thức làm hay nói cách khác là quá hạn hẹp về cách làm, trong khi đó còn nhiều hình thức khác có thể làm nữa như quay video, clip, hoặc cao hơn nữa là lập vi bằng... Ông Võ Văn Anh cho rằng chỉ cần quy định chuẩn yêu cầu của công việc chẳng hạn là người thu thập thông tin phải lập phiếu thu thập thông tin kèm theo lưu trữ các bằng chứng thể hiện việc thu thập thông tin của mình là đủ.