Nội dung chính:
- Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là nhân tố tác động lớn nhất đến thị trường chứng khoán tháng 2.
- 5 tín hiệu cho thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thể chuyển sang trạng thái tích cực hơn.
- Dự báo kết quả kinh doanh năm 2022 và triển vọng năm 2023 của 6 nhóm ngành: dầu khí - hóa chất, thép, vật liệu xây dựng, điện, du lịch, bảo hiểm.
Sau Tết Nguyên đán, các sự kiện có sức ảnh hưởng toàn cầu như lạm phát, chính sách lãi suất của Fed hay chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư công của nhà nước sẽ chưa phản ánh ngay. Vì vậy, thông tin tác động lớn nhất đến thị trường chứng khoán tháng 2 là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Ông Long nhận định 2022 là năm có sự phân hóa lớn nhất trong vài năm trở lại đây. Sự phân hóa phản ánh triển vọng tăng trưởng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2023, thông qua các con số trên báo cáo tài chính năm 2022. Kết quả kinh doanh có ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Đơn cử, Ngân hàng Vietcombank vừa công bố kết quả kinh doanh vượt chỉ tiêu, giá cổ phiếu lập tức tăng gần 4% trong phiên giao dịch ngày hôm sau.
Trong tuần đầu tiên sau Tết, sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính, các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích sẽ đánh giá triển vọng, chất lượng lợi nhuận năm 2023. Từ đó, giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh dựa trên triển vọng tương lai của doanh nghiệp.
Nhà đầu tư cần phân tích cấu trúc lợi nhuận của doanh nghiệp để xem lợi nhuận đến từ giá tăng, hiệu quả kinh doanh, tăng trưởng quy mô hay chiến lược quản trị tinh gọn… Từ đó, xác định liệu những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp có còn duy trì trong năm tới.
Theo báo cáo Triển vọng thị trường chứng khoán 2023 của FiinGroup, triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có thể chuyển sang trạng thái “tích cực” hơn khi xuất hiện 5 tín hiệu sau:
(i) Lãi suất huy động giảm
(ii) Dòng vốn tín dụng (bao gồm vốn vay ngân hàng và vốn huy động qua trái phiếu doanh nghiệp) được khơi thông
(iii) Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh
(iv) Tỷ giá ổn định nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp) dồi dào
(v) Xuất khẩu hồi phục
Ngành dầu khí - hóa chất
2022 có thể coi là năm “đỉnh” của ngành dầu khí khi giá dầu từng có thời điểm lên trên 140 USD/thùng giúp doanh nghiệp dầu khí đạt kết quả tích cực.
Với việc sớm vượt mọi chỉ tiêu kế hoạch sau 9 tháng, không ngạc nhiên khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố đạt kết quả tăng trưởng vượt chỉ tiêu trong năm 2022.
Tại ngày 17/01, giá dầu WTI gần 79 USD/thùng, dầu Brent xấp xỉ 85 USD/thùng, tăng trong ngắn hạn. Giá phân bón, hóa chất cũng đang neo cao trong giai đoạn đầu năm 2023 nhưng khả năng bật tăng trở lại đỉnh là không nhiều.
Cần lưu ý, giá dầu tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí, hóa chất.
Ngành thép
Năm 2021 là đỉnh của ngành hàng hóa (sắt, thép,...) và chu kỳ bắt đầu đi xuống trong năm 2022. Không ai tin “anh cả” ngành thép - Hòa Phát sẽ báo lỗ trong quý III/2022 bất chấp việc Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã cảnh báo từ trước. Thực tế, tỷ giá USD/VND tăng cao khiến giá nguyên liệu nhập khẩu chịu ảnh hưởng lớn, trong khi giá thép thành phẩm sụt giảm dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh.
Theo ông Long Phan, kết quả kinh doanh ngành thép trong quý IV/2022 chỉ “đỡ tệ hơn”. Năm 2023, ngành thép sẽ phục hồi nhưng không kỳ vọng tăng trưởng đột biến.
Những động lực rõ ràng như Trung Quốc mở cửa, kế hoạch giải ngân đầu tư công,... đã thể hiện trong suốt thời gian qua. Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp thép đã phục hồi 60% - 70% từ đáy.
Thế nhưng, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, trong khi kết quả giải ngân vốn đầu tư công những năm gần đây thường chỉ đạt 70% mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, 70 - 80% của 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 cũng là một con số đáng kể so với năm trước.
Ngành vật liệu xây dựng
Ngành vật liệu xây dựng sẽ có tiềm năng lớn để phục hồi từ đáy, do hưởng lợi chủ yếu từ đầu tư công trong các dự án cao tốc Bắc - Nam, công trình lớn, sân bay,... Thị trường bất động sản chưa thể phục hồi trong ngắn hạn, trong trung hạn tuy có khả năng phục hồi nhưng không nhiều đột biến.
Theo đó, ngành xi măng nói riêng là ngành đầu tư lớn, chịu tác động mạnh bởi lãi suất. Khi lãi suất cao, doanh nghiệp quy mô đầu tư lớn, vay vốn nhiều sẽ chịu tác động đầu tiên. Dù vậy, đầu ra của các doanh nghiệp xi măng có thể được thúc đẩy bởi kế hoạch đầu tư công.
Ông Long lưu ý giá cổ phiếu ngành này đã tăng trưởng đáng kể trong thời gian gần đây.
Ngành điện
Đánh giá về ngành điện, ông Long cho rằng các xu hướng năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời đã “hết mốt”. Ngành điện có vốn đầu tư lớn, phụ thuộc nhiều vào chính sách quy hoạch của Chính phủ và chính sách giá. Hiện nay, doanh nghiệp đang vận động tăng giá điện, sau nhiều năm giữ nguyên giá thành.
Nhìn chung, ngành điện chia thành nhiều loại, năng lượng tái tạo vẫn là xu hướng dài hạn, nhưng về ngắn hạn tại Việt Nam đã “gãy trend”. Do đó, ông Long không đánh giá cao triển vọng ngành này trong ngắn hạn.
Ngành du lịch
Ngành du lịch Việt Nam đang kỳ vọng tăng trưởng nhờ chính sách mở cửa của Trung Quốc. “Nhưng liệu Việt Nam có nắm bắt được cơ hội hay không lại là câu chuyện khác” - ông Long nói.
Ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group chia sẻ tại Chương trình Đi theo dòng tiền.
Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch sau khi mở cửa nhưng thực tế chỉ đạt 3,5 triệu lượt, cách khá xa mục tiêu.
Theo kết quả nghiên cứu trên các trang tìm kiếm thông tin tại Trung Quốc, Việt Nam không nằm trong top điểm đến của người dân TQ. Một số vấn đề còn tồn tại trong hoạt động du lịch nước ta như visa chưa cởi mở thực sự, hạ tầng, chất lượng dịch vụ, mức độ ưu đãi, khả năng thanh toán,...
Ông Long hy vọng chính sách sẽ cởi mở hơn trong năm 2023, nhưng không kỳ vọng ngành du lịch sẽ tăng trưởng quá mạnh.
Ngành bảo hiểm
Ngành bảo hiểm hưởng lợi từ việc lãi suất tăng. Thực tế, lợi nhuận ngành bảo hiểm đến từ việc tận dụng sự thay đổi của lãi suất chứ không phải hưởng lợi từ nền lãi suất cao. Năm 2023, ông Long dự báo lãi suất vẫn neo cao nhưng không tăng, vì dư địa tăng lãi suất mà không tác động đến tăng trưởng kinh tế không còn nhiều. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước còn nhiều công cụ khác để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Vì thế, ngành tận dụng sự thay đổi của lãi suất như bảo hiểm sẽ không tăng trưởng mạnh.
Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Cập nhật kết quả kinh doanh và BCTC ngành dầu khí năm 2022. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.