Tréo ngoe nghề bảo hiểm: Lương cao hơn nhiều ngành nhưng tỷ lệ thiếu nhân sự lớn nhất, hơn 63% doanh nghiệp dự tính tăng ngân sách tuyển dụng

Minh Anh | 16:29 04/05/2023

Theo báo cáo của TopCV, chỉ có Bảo hiểm và IT phần mềm là 2 ngành mà cấp phó giám đốc đạt mức lương trung vị cao lên tới 60 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hơn một nửa số công ty bảo hiểm được khảo sát gặp tình trạng thiếu nhân sự trong năm 2022.

Tréo ngoe nghề bảo hiểm: Lương cao hơn nhiều ngành nhưng tỷ lệ thiếu nhân sự lớn nhất, hơn 63% doanh nghiệp dự tính tăng ngân sách tuyển dụng
Ảnh minh họa. Nguồn: VTC.

Báo cáo thị trường tuyển dụng 2022 & nhu cầu tuyển dụng 2023 của TopCV Việt Nam dựa trên phân tích các thông tin khảo sát từ hơn 2.200 doanh nghiệp và hơn 3.000 người lao động, cùng hệ thống dữ liệu hơn 300.000 tin tuyển dụng trên website topcv.vn.

Kết thúc năm 2022, khảo sát cho thấy 40,5% doanh nghiệp thiếu hụt nhân lực, giảm 2,7% so với năm 2021. Trong đó, các doanh nghiệp quy mô dưới 25 nhân viên có tỷ lệ thiếu hụt nhân sự cao nhất (46,8%). Tỷ lệ này thấp nhất ở nhóm doanh nghiệp quy mô 500 – 999 nhân viên (32,2%).

Bảo hiểm, Thương mại điện tử và Giáo dục/Đào tạo là 3 lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ thiếu hụt nhân sự cao nhất. Đáng chú ý, có đến 58% các doanh nghiệp lĩnh vực Bảo hiểm gặp tình trạng thiếu hụt nhân sự trong năm 2022.

bieu-do-thieu-hut-nhan-su.jpg
Nguồn: TopCV.

TopCV cho biết 2 nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thiếu nhân sự, xét chung tất cả các ngành nghề, là số lượng hồ sơ ứng viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng và ứng viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ năng chuyên môn. Tuy nhiên, so với năm 2021, trong khi tình trạng thiếu hồ sơ có xu hướng giảm (giảm 8,2%), các doanh nghiệp lo ngại nhiều hơn về vấn đề kỹ năng chuyên môn của ứng viên (tăng 3,7%).

Xét đến nhu cầu tuyển dụng năm 2023, Bảo hiểm cũng là lĩnh vực mà tỷ lệ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tăng từ 30% trở lên cao nhất, ở mức 36,8%. Bên cạnh đó, 36,8% số công ty bảo hiểm được khảo sát cũng có nhu cầu tuyển dụng tăng từ 10% đến dưới 30%.

Ngoài ra, 10,5% số đơn vị bảo hiểm được khảo sát muốn giữ nguyên số nhân sự, chỉ 5,3% có nhu cầu tuyển dụng giảm dưới 30% và không có doanh nghiệp nào nhu cầu tuyển dụng giảm trên 30%.

Một khía cạnh khác cho thấy nhu cầu nhân sự lớn của ngành bảo hiểm là ngân sách tuyển dụng. Xét về mức thay đổi ngân sách tuyển dụng dự kiến trong năm 2023, Bảo hiểm là lĩnh vực sở hữu tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch tăng ngân sách tuyển dụng nhiều nhất (63,2%). Ngoài ra, 26,3% doanh nghiệp bảo hiểm muốn giữ nguyên ngân sách, và chỉ 10,5% tính giảm khoản này.

ngan-sach-tuyen-dung-.jpg
Nguồn: TopCV.

Mặc dù dường như lúc nào cũng “khát” nhân sự, báo cáo của TopCV cho thấy Bảo hiểm lại là ngành có mức lương khá hơn nhiều nghề khác.

Số liệu được sử dụng là mức lương trung vị, tức là con số nằm giữa nửa lớn hơn và nửa bé hơn của các số liệu khảo sát thu được. Mức lương trung vị thấp là mức phổ biến nằm trong khoảng trung vị thấp mà nhà tuyển dụng đang sẵn sàng chi trả. Ngược lại, mức lương trung vị cao là mức phổ biến nằm trong khoảng trung vị cao.

Theo đó, mức lương trung vị thấp của nhân viên bảo hiểm là 15 triệu đồng, trung vị cao là 20 triệu đồng. Nhìn sang những lĩnh vực khác, mức lương trung vị cao của nhân viên bảo hiểm chỉ thua nhân viên IT phần mềm và Công nghệ thông tin, còn so với nhân viên Hành chính/Văn phòng thì gấp đôi. Nhân viên các ngành còn lại có mức lương trung vị cao là 12 hoặc 15 triệu đồng.

Bảo hiểm cũng là một trong 2 lĩnh vực có mức lương trung vị cao của cấp Phó giám đốc lên tới 60 triệu đồng bên cạnh IT phần mềm – một ngành vô cùng “hot” hiện nay. Con số này thậm chí hơn gấp 3 mức lương trung vị cao của cấp Phó giám đốc lĩnh vực Dịch vụ khách hàng.

so-sanh-luong-bao-hiem.jpg
So sánh mức lương các vị trí phổ biến ngành Dịch vụ khách hàng và Bảo hiểm. Nguồn: TopCV.

Sau nhiều "lùm xùm" gần đây, ngành Bảo hiểm Việt Nam được cho là đang rơi vào khủng hoảng lớn. Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết riêng năm 2022 đã có hơn 3.100 đại lý vào danh sách vi phạm 14 hành vi. Ngoài các vi phạm như cùng lúc làm đại lý cho nhiều hãng hay liên quan đến tài chính, có trường hợp đại lý tuyên truyền, quảng cáo sai về sản phẩm, dịch vụ.

Chia sẻ với VTC News , ông Trần Văn Th - Giám đốc một chi nhánh bảo hiểm nhân thọ ở Hà Nội cho biết kể từ khi các scandal xảy ra, số nhân viên bán bảo hiểm nghỉ việc ngày càng nhiều. Hiện phần lớn khách hàng coi tư vấn viên bán bảo hiểm là bán hàng đa cấp, không trung thực, thường xuyên kỳ thị họ.

“Tỷ lệ đào thải của nghề vốn rất lớn, nhưng sau sự cố, số lượng nhân viên tư vấn nghỉ việc càng lớn hơn. Chi nhánh của tôi trước có khoảng 1.000 nhân sự, nay “rơi rụng” gần một nửa, chỉ còn khoảng hơn 500 người, nhưng tỷ lệ ký được hợp đồng mới rất ít”, ông Th nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tréo ngoe nghề bảo hiểm: Lương cao hơn nhiều ngành nhưng tỷ lệ thiếu nhân sự lớn nhất, hơn 63% doanh nghiệp dự tính tăng ngân sách tuyển dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO