Trái phiếu doanh nghiệp: "Đi qua miền tối sáng"

Linh Đan | 00:03 21/01/2023

Năm 2022 được xem là giai đoạn “tối” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhưng nó là cần thiết để có sự phát triển minh bạch, an toàn và bước vào “miền sáng” từ năm 2023.

Trái phiếu doanh nghiệp: "Đi qua miền tối sáng"
Lượng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn.

“KHOẢNG LẶNG” CẦN THIẾT

“Để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, có hiệu quả thực sự, chúng ta cần tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa, từ đó thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia trên cơ sở đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đưa ra quan điểm khi bàn về giải pháp để phát triển lành mạnh thị trường TPDN.

Giai đoạn 2017 đến hết năm 2020 tốc độ phát triển bình quân của thị trường TPDN khoảng 46%, năm 2021 là 56%. Tuy nhiên sang năm 2022 tốc độ tăng trưởng của thị trường TPDN sụt giảm mạnh. “Sự chững lại này chỉ mang tính chất tạm thời vì những xáo trộn trên thị trường làm cho các nhà đầu tư cũng như nhà phát hành có thời gian ngừng lại để nhìn nhận, kiểm tra điều kiện để từ đó có định hướng tham gia bền vững, hiệu quả hơn…”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Đây là thời điểm các cơ quan quản lý Nhà
nước có những hoạt động chỉnh đốn thị trường
nhằm loại bỏ những nhà phát hành không đủ
điều kiện, không đủ tiêu chuẩn. Đồng thời,
chọn lọc các nhà đầu tư, các trái chủ chuyên
nghiệp, gắn bó với thị trường, giúp thị trường
lành mạnh hơn.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Nói về sự sụt giảm của thị trường TPDN năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thẳng thắn: Đó là do niềm tin của thị trường giảm sút. Việc này bắt nguồn từ một số vụ việc vi phạm từ doanh nghiệp phát hành, ngân hàng thương mại mà chúng ta phải xem xét và xử lý. Từ những vi phạm ấy ảnh hưởng tới niềm tin của thị trường, niềm tin của các nhà đầu tư, niềm tin của doanh nghiệp tư vấn, và của chính doanh nghiệp phát hành.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng: Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường TPDN riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường. Thị trường TPDN trong nước trong thời gian qua đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô thị trường TPDN của Việt Nam được đánh giá vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra.

THỊ TRƯỜNG “SẠCH” - CƠ HỘI BÙNG PHÁT TỪ NĂM 2023?

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận: Thị trường TPDN của Việt Nam còn rất non trẻ, đến nay lượng vốn huy động qua thị trường TPDN mới chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm. Điều đó cho thấy còn rất nhiều dư địa cho thị trường TPDN phát triển.

Dư nợ toàn thị trường TPDN hiện nay khoảng 15% GDP, trong đó TPDN riêng lẻ khoảng 12,8%
GDP. Trong Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030 Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP.

“Hiện nay hệ thống tín dụng đang cung cấp tới 80% nguồn vốn cho doanh nghiệp, đó là một sự thiếu cân đối trên thị trường vốn nên về lâu dài phải xác định thị trường chứng khoán và TPDN là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp. Để được như vậy thì niềm tin phải được đặt ra và để có niềm tin cho thị trường vốn lúc này là nâng cao tính minh bạch”, Luật sư Trương Thanh Đức lưu ý.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: TPDN phải được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế theo đúng định hướng của Chính phủ và giảm áp lực cung ứng vốn cho tín dụng ngân hàng. Do đó chúng ta phải tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa và cùng với đó là phải đảm báo tính công khai, minh bạch thông tin cũng như các quy định về an toàn tài chính.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã nhấn mạnh: Việc dẹp bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ giúp thị trường trái phiếu minh bạch hơn, an toàn hơn. Doanh nghiệp có dự án tốt, có uy tín, làm ăn minh bạch, đàng hoàng được khơi mở dòng vốn… Quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Vừa rồi Chính phủ đã xem xét đánh giá và ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 153. Thế nhưng tình hình thị trường thay đổi, diễn biến cực kỳ nhanh chóng trong những tháng vừa qua nên đặt ra vấn đề để thích ứng tình hình mới. Ngay sau đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ phải rà soát ngay, kể cả Nghị định 65 vừa mới ban hành, để nếu có vấn đề gì, tình hình biến đổi như thế nào và cần bổ sung hoặc thay đổi thì chúng ta phải thực hiện ngay để thị trường quay trở lại.

“Với những việc đó, chúng tôi tin rằng sẽ góp phần ổn định và đưa các doanh nghiệp phát hành, các nhà đầu tư sớm quay lại thị trường và để thị trường phát triển, vận hành một cách bình thường trở lại!”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi bày tỏ tin tưởng.

Chúng ta phải khẳng định rằng việc phát triển thị trường TPDN lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững là rất cần thiết, góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu đã được Chính phủ đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Sau tuần giá vàng giảm mạnh, giới phân tích và đầu tư bỗng 'chia rẽ' quan điểm
Thị trường vàng đã trải qua một tuần rớt thê thảm khi mất hơn 2%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2023. Mặc dù vậy, nhìn lướt qua biểu đồ giá hàng tuần cho thấy hầu hết mức giảm rơi vào gần cuối tuần, khi các nhà giao dịch bán kiếm lời sau khi giá tăng vào đầu tuần, và tăng trở lại vào thứ Sáu, sau dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Trái phiếu doanh nghiệp: "Đi qua miền tối sáng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO