Trái ngược với cả thế giới, người dân xứ cờ hoa ‘yêu không dứt’ một loại tài sản rủi ro, tin mãnh liệt vào ‘khả năng sinh lời đánh bại tất cả’

Anh Dũng | 13:46 26/02/2024

Dường như không có điều gì có thể làm phai nhạt “mối tình” của người dân Mỹ đối với lựa chọn đầu tư này.

Trái ngược với cả thế giới, người dân xứ cờ hoa ‘yêu không dứt’ một loại tài sản rủi ro, tin mãnh liệt vào ‘khả năng sinh lời đánh bại tất cả’

Theo chiến lược gia Jan Loeys và Alexander Wise của JPMorgan, các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận Mỹ đã tăng cường mua cổ phiếu đều đặn trong suốt 4 thập kỷ qua. Mức phân bổ cho chứng khoán Mỹ gần chạm kỷ lục 41%. Điều này trái ngược hẳn với các quốc gia khác trên thế giới và là yếu tố giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.

Các nhà phân tích viết: “Với mức tăng trưởng lợi nhận vượt trội, điều này đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ trở thành thị trường mạnh nhất thế giới trong những thập kỷ qua, đến mức chiếm 64% vốn hoá toàn cầu”.

Điều mà JPMorgan gọi là "mối tình" của người Mỹ với thị trường chứng khoán đã đẩy bội số tăng 20 điểm phần trăm so với các nước khác trên thế giới. Việc người Mỹ ưa chuộng đầu tư chứng khoán cũng góp một nửa vào mức tăng 5,1% hàng năm của chứng khoán Mỹ kể từ năm 1987.

Mặc dù mức phân bổ 41% không đáng kể so với đầu tư trái phiếu, dựa trên tỷ lệ phân bổ 60 trái phiếu/40 cổ phiếu kinh điển mà nhiều nhà cố vấn thường khuyến nghị. Nhưng điều này phản ánh một mô hình tăng trưởng nhất quán, kể từ khi phân bổ của hộ gia đình Mỹ vào cổ phiếu đạt mức thấp 10% hồi đầu thập niên 1980. Theo các chiến lược gia, mức tăng trưởng đó đã vượt xa nhiều nước phát triển khác.

"Không giống như các hộ gia đình ở Mỹ, các hộ gia đình ở Nhật Bản, Đức và Pháp đã không tăng phân bổ chứng khoán trong 30 đến 40 năm qua. Các hộ gia đình ở Nhật Bản và Đức chỉ có 13% và 16% đầu tư vào cổ phiếu, trong đó Pháp là 26%”, các chiến lược gia cho biết.

5% các hộ gia đình giàu có nhất nước Mỹ thậm chí còn đổ nhiều tiền hơn vào thị trường chứng khoán. Tỷ lệ phân bổ là 57% vào cổ phiếu, 8% vào tiền mặt và 23% vào thu nhập cố định – chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu đô thị. Họ đã chia danh mục đầu tư theo tỷ lệ 70 cổ phiếu/30 trái phiếu vào cuối năm 2018.

JPMorgan cũng chỉ ra một số yếu tố thúc đẩy “văn hoá chứng khoán” ở Mỹ. Đầu tiên là công chúng chấp nhận rằng lợi nhuận từ chứng khoán nhìn chung cao, khoảng 10,8% mỗi năm, khiến các nhà đầu tư có xu hướng giữ lại hơn là bán ra khi thị trường tăng điểm.

Nhà phân tích Loeys và Wise nói rằng một khả năng khác đó là các nhà đầu tư mơ hồ về việc phân bổ tài sản. Họ chỉ đơn giản là chạy theo xu hướng.

Ghi chú của các nhà phân tích bổ sung thêm một số yếu tố khác khiến mối tình thêm bền chặt, bao gồm nhà đầu tư nhận thức rủi ro đối với cổ phiếu Mỹ thấp hơn các nơi khác. Bên cạnh đó là sự phổ biến của các cuốn sách đầu tư nổi tiếng và các điều kiện giao dịch được cải thiện.

Tuy nhiên, mối tình có thể sẽ không kéo dài mãi.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng các nhà đầu tư có thể từ bỏ việc nắm giữ cổ phiếu nếu họ đặt kỳ vọng quá cao trong tương lai hoặc nếu xuất hiện một lựa chọn thay thế hấp dẫn hơn. Họ dự đoán rằng sẽ có ít tiền chảy vào cổ phiếu hơn trong 5 năm tới.

Trong khi đó, những bất ổn kinh tế vĩ mô và chính sách tài khóa phát cũng có sức ảnh hưởng. Điều đáng chú ý là dân số già hóa cho thấy người Mỹ nên dần dần chuyển từ cổ phiếu sang nắm giữ nhiều tiền mặt và trái phiếu hơn. Nhưng các nhà phân tích cho rằng động thái như vậy chưa xảy ra.

Theo MI


(0) Bình luận
Trái ngược với cả thế giới, người dân xứ cờ hoa ‘yêu không dứt’ một loại tài sản rủi ro, tin mãnh liệt vào ‘khả năng sinh lời đánh bại tất cả’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO