Trái ngọt giữa thời kỳ kinh tế khó khăn
Trong bối cảnh kinh tế năm 2023 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, những quyết định càng trở lên khó khăn hơn đối với các nhà đầu tư trong nhiều năm trở lại đây. Bỏ qua những kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, nhiều nhà đầu tư lựa chọn vàng là “hầm trú ẩn” đã nhận được trái ngọt khi mặt hàng giá kim loại quý này biến động mạnh theo đà tăng của giá vàng thế giới.
Cụ thể, bước vào năm 2023, giá vàng miếng SJC trong nước ở mức 66 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67 triệu đồng/lượng (bán ra).
Thống kê 9 tháng đầu năm cho thấy, giá vàng miếng SJC trong nước liên tục dao động nhẹ quanh mức 66 triệu đồng/lượng - 68 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10/2023, giá vàng trong nước đã liên tục “nhảy múa” theo đà tăng của giá vàng thế giới. Đặc biệt là trong tháng 12/2023, giá vàng trong nước đã lập đỉnh trong năm.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 12/2023, giá vàng quốc tế đã tăng mạnh lên trên mức 2.000 USD/oz. Riêng ngày 26/12, giá vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.063 USD/oz, tăng 232 USD/oz (tương đương tăng 12,7%) so với đầu năm.
Trước đà tăng của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước cũng có diễn biến tăng theo. Riêng trong ngày 26/12, giá vàng miếng SJC biến động mạnh, có thời điểm lên đến 80 triệu đồng/lượng – đạt đỉnh cao nhất trong năm.
Theo NHNN, nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày cuối năm 2023 chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn.
Trước tình hình giá vàng biến động mạnh, cuối ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi công điện tới NHNN và các bộ ngành về giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó yêu cầu điều hành giá trong nước theo thị trường, không để vênh cao với quốc tế.
Ngày sau đó, vào ngày 28/12 giá vàng trong nước đã giảm mạnh. Đến ngày 29/12, giá vàng miếng SJC đã thu hẹp khoảng cách với thế giới đáng kể về còn 13 triệu đồng một lượng, thay vì mức 18 – 20 triệu đồng vào ngày giá vàng đạt đỉnh tại thị trường trong nước (26/12).
Ngày giao dịch cuối cùng trong năm (31/12), giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Tp.HCM mua vào ở mức 71 triệu đồng/lượng, trong khi chiều bán ra là 74,02 triệu đồng/lượng. Trong khi, giá vàng DOJI tại thị trường trong nước được giao dịch ở mức 68 - 75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Như vậy, tính trong 1 năm qua, giá vàng SJC tăng 5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 7 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Còn tại DOJI, giá vàng tăng gần 3 triệu đồng/lượng mua vào và 7,4 triệu đồng/lượng bán ra. Nếu tiếp tục giữ vàng, người mua lãi 7 triệu đồng/lượng. Còn mua đầu năm và bán ra ở cuối năm, khách hàng chỉ lời 4 triệu đồng/lượng. Với mức lợi nhuận hơn 10% (nhà đầu tư tiếp tục giữ vàng), đây thực sự là trái ngọt đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Giá vàng khả quan trong quý 1/2024
Diễn biến thị trường giá vàng cho thấy, sau thời gian dài "bất động" dù thế giới biến động mạnh, giá vàng miếng SJC hai tháng qua bất ngờ tăng nhanh và mạnh, đẩy cách biệt giữa hai thị trường ngày càng lớn.
Các chuyên gia về lĩnh vực kinh tế cho rằng, kịch bản giá vàng tăng phi mã và rơi tự do không phải diễn ra lần đầu. Giá vàng miếng đã có nhiều phiên tăng nhanh hơn, diễn biến lệch pha hoặc giảm chậm hơn so với thế giới.
Lý giải sự lệch pha này, giới chuyên gia cho rằng thị trường vàng miếng là thị trường đặc biệt, thường được gọi là thị trường không hoàn hảo. Đây là một hàng hóa đặc biệt bởi nguồn cầu tăng nhưng nguồn cung "đứng im suốt nhiều năm qua".
Chia sẻ với báo giới, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, xuất phát từ cung cầu thực tế trên thị trường chứ không phải do doanh nghiệp làm giá như nhiều suy đoán.
Phó Chủ tịch VGTA cho biết, lực mua lớn vàng miếng trên thị trường thời điểm cuối năm 2023 xuất hiện khi nhà đầu tư kỳ vọng vào đà tăng ngắn và trung hạn của kim loại quý trên thị trường quốc tế, sau tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của Mỹ.
Thị trường trong nước, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhiều người đã tăng mua vào, nhất là vàng miếng SJC để tích trữ. Khi cầu tăng càng khiến giá đi lên. Ngoài ra, trong ngắn và trung hạn, các dự báo vẫn thiên về hướng có lợi cho mặt hàng kim loại quý này, qua đó tác động đến giá trong nước.
Các ngân hàng và giới phân tích quốc tế dự báo giá vàng vẫn trên đà tăng và còn dư địa đến quý 1/2024. Theo đó, kim loại quý này sẽ thử nghiệm các mốc kháng cự kỹ thuật 2.075 USD, 2.100 USD và xa hơn là 2.150 USD.
Lý do quan trọng được giới chuyên môn và các nhà đầu tư ủng hộ cho đà tăng của kim loại quý này là dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể giảm lãi suất ngay từ tháng 3/2024 và có 3 lần giảm ít nhất trong năm này. Điều đó sẽ làm giảm sức mạnh của USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ nhưng ngược lại củng cố sức mạnh cho vàng. Đồng thời những yếu tố khác ủng hộ cho vàng như căng thẳng địa chính trị và nhu cầu nữ trang tăng lên theo tính mùa vụ trước Tết cũng như nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương.
Bên cạnh đó, chuyên gia Huỳnh Trung Khánh nhận định, "tâm lý đám đông" cũng là yếu tố cộng hưởng cho đà tăng của giá vàng vào thời điểm cuối năm 2023. Dự báo khả quan về giá vàng thế giới trong năm 2024 khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng "mua giá cao nhưng cũng có thể bán giá cao hơn".