Nhắc tới đối tượng khách hàng ưu tiên của ngân hàng, chắc hẳn phần lớn chúng ta đều nghĩ ngay tới những đại gia giàu nứt đố đổ vách, tài sản ròng sương sương cũng vài chục, vài trăm tỷ đồng.
3 năm trước, ở độ tuổi 22, Thanh Tùng cũng nghĩ hệt như vậy. Thời điểm đó, Tùng vẫn còn là sinh viên năm cuối và làm nhân viên bán thời gian, vị trí dựng video cho một công ty truyền thông. Gia đình không chu cấp tài chính, bản thân có việc làm nhưng lương cũng chẳng quá cao, Tùng không hiểu bằng cách nào mình lại có thể trở thành khách hàng ưu tiên của ngân hàng.
Hạng VIP cũng có “bản thử nghiệm”
Đúng, bạn không nghe nhầm đâu. Hạng khách hàng ưu tiên cũng có thời gian thử nghiệm, để bạn có thể quyết định có lên hạng thẻ ấy hay không.
Có hơn 100 triệu trong tài khoản thanh toán: Điều kiện cần để trở thành khách hàng ưu tiên của ngân hàng.
Khoảng cuối năm 2021, Tùng nhận được cuộc gọi từ tư vấn viên của ngân hàng, thông báo rằng anh đã đủ điều kiện để trở thành khách hàng ưu tiên, đồng thời nhận được một món quà của ngân hàng. Đương nhiên, Tùng từ chối chẳng cần suy nghĩ vì tin rằng đó là… cuộc gọi lừa đảo.
“Sau đó, mình lại nhận được email của ngân hàng với nội dung gần tương tự. Họ cho mình 2 lựa chọn, hoặc là xác nhận địa chỉ đã đăng ký khi mở thẻ để họ gửi quà tới, hoặc là đến trực tiếp phòng giao dịch theo địa chỉ ghi trong email để nhận quà. Mình chọn phương án 2”.
Tùng dùng cụm từ “shock ngang” để miêu tả cảm giác khi tới phòng giao dịch của ngân hàng. Vì đã đủ điều kiện để trở thành khách hàng ưu tiên, Tùng được ngồi trong phòng giao dịch riêng, không phải xếp hàng, còn được mời cà phê và hoa quả.
Đến tận lúc đó, Tùng mới tin mình không bị lừa, nhưng vẫn chưa hiểu vì sao mình lại được trở thành khách hàng ưu tiên.
“Quà mình nhận được hôm tới ngân hàng là 1 quyển lịch. Mình có hỏi chị nhân viên tiếp mình hôm ấy là em làm gì có tiền đâu, sao lại được thành khách hàng ưu tiên. Chị ấy cũng thành thật với mình rằng khách hàng ưu tiên của ngân hàng này có 2 nhóm: Nhóm trải nghiệm và nhóm lâu dài.
Hiểu nôm na rằng khách hàng ưu tiên trong nhóm trải nghiệm chỉ cần duy trì số dư trong tài khoản ngân hàng ở mức tối thiểu 100 triệu trong vòng 3 tháng liên tiếp là được. Sau 1 năm, nếu khách hàng ưu tiên trong nhóm trải nghiệm không có tối thiểu 1 tỷ trong tài khoản, họ sẽ quay trở lại nhóm khách hàng bình thường” - Tùng giải thích.
Sau đó, anh cũng cho biết khách hàng ưu tiên sẽ được nhận các ưu đãi như mở thẻ tín dụng hạn mức cao, miễn phí thường niên thẻ chính và thẻ phụ, mỗi khi tới ngân hàng giao dịch sẽ không phải xếp hàng mà được ngồi trong phòng riêng.
“Hôm đó, chị nhân viên ấy cũng mời mình mở thẻ tín dụng hạn mức 400 triệu nhưng mình từ chối, mở thẻ hạn mức 50 triệu thôi. Tất cả các quyền lợi của thẻ tín dụng ấy vẫn được áp dụng ngay cả khi mình không còn là khách hàng ưu tiên nữa. Giờ mình vẫn đang dùng thẻ đó, 3 năm rồi vẫn được miễn phí thường niên dù không còn là khách hàng ưu tiên, vì mình làm gì có đủ 1 tỷ” - Tùng vừa kể vừa cười.
Kiếm tiền, chi tiêu thế nào mà 22 tuổi đã có hơn 100 triệu “nhàn rỗi” trong tài khoản suốt hơn 3 tháng?
Đây là thắc mắc mà chúng tôi đặt ra với Thanh Tùng. Như Tùng chia sẻ, thời điểm trở thành khách VIP của ngân hàng, anh mới đang là sinh viên năm cuối, có đi làm nhưng chỉ là làm bán thời gian. Vậy hơn 100 triệu nhàn rỗi đó từ đâu mà ra?
“Công việc mình làm hồi đó có lương cứng và lương sản phẩm, nghĩa là tháng nào mình dựng nhiều video thì tháng đó lương của mình cao, vì nhiều sản phẩm mà. Trung bình 1 tháng mình cũng kiếm được 18-19 triệu. Mà sức chi tiêu của mình chỉ 8-9 là tối đa rồi, số còn lại mình cứ để yên trong tài khoản, cũng không đầu tư gì cả. Đi làm 6-7 tháng là mình có hơn 100 triệu rồi, mà mình làm ở công ty đó gần 3 năm lận” - Tùng giải thích.
Sức tiêu yếu hơn sức kiếm là điều hiếm có ở thời đại này, đặc biệt là với người trẻ. Và Tùng lại nằm trong nhóm số hiếm ấy.
“Tiền nhà 1 tháng mình hết khoảng 1,5 triệu đồng do mình ở ghép với bạn. Ăn uống mua sắm hết 5-6 triệu là căng đét, thực sự không nghĩ ra gì để mà tiêu luôn ấy, có thể do mình là con trai, cũng không có nhiều nhu cầu shopping hay làm đẹp” - Tùng tiếp tục giải thích.
Không mua sắm nhiều, ăn uống cũng chẳng tốn bao nhiêu, học phí đã có bố mẹ lo. Có lẽ cũng không quá khó hiểu khi Tùng “chẳng biết làm gì” để tiêu hết số tiền mình kiếm được.
Sau 3 năm mở thẻ tín dụng 50 triệu, hiện tại, Tùng cho biết hàng tháng anh chỉ tiêu khoảng 3-4 triệu tiền từ thẻ tín dụng, chủ yếu là đi siêu thị. Ngoài ra, Tùng cũng mua được máy tính Macbook Pro và “lên đời” điện thoại.
“Tốt nghiệp ra trường và nghỉ việc ở công ty cũ, mình mới dùng tới số tiền hơn 100 triệu tích góp được từ mấy năm cày cuốc. Mình đi du lịch, sang Singapore xem show của Taylor Swift,... Còn tiền mua máy tính và điện thoại mới thì mình trả góp qua thẻ tín dụng, cũng trả sắp xong rồi, còn 2 tháng nữa thôi” - Tùng chia sẻ.