Trái chiều diễn biến cổ phiếu đấu thầu thi công sân bay Long Thành: Bộ đôi CTD, HBC giảm sâu, VCG, PHC, CC1, HAN đồng loạt tăng trần

Phương Linh | 11:32 24/07/2023

Gói thầu tại Sân bay Long Thành với tổng vốn 35.000 tỷ đồng được xem là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhóm doanh nghiệp xây dựng hàng đầu, với nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trái chiều diễn biến cổ phiếu đấu thầu thi công sân bay Long Thành: Bộ đôi CTD, HBC giảm sâu, VCG, PHC, CC1, HAN đồng loạt tăng trần

Thị trường chứng khoán phiên sáng 24/7 ghi nhận diễn biến trái chiều tại nhóm cổ phiếu xây dựng. Cổ phiếu VCG của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) bất ngờ tăng kịch trần 6,8% lên mức 25.050 đồng/cp. Dư mua giá trần được đẩy lên ngưỡng hơn 2,3 triệu đơn vị. Tương tự, cổ phiếu HAN Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP, CC1 của Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1) và PHC của Xây dựng Phục Hưng Holdings cũng đồng loạt tăng hết biên độ lên giá tím, “trắng bên bán”.

Ngược chiều, cổ phiếu CTD của Coteccons quay đầu giảm sâu, có thời điểm thậm chí giảm sàn trước áp lực bán ra mạnh. Tương tự, HBC của Xây dựng Hòa Bình sau khi được giao dịch trong phiên chiều cũng mau chóng giảm hơn 2%.

1(3).png
Diễn biến nhóm cổ phiếu tham gia đấu thầu thi công sân bay Long Thành

Thời gian qua, câu chuyện liên quan tới gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” - dự án thành phần 3 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng đã phà hơi nóng vào các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Sau lần phải gia hạn vì các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ, hiện đã có 3 nhóm nộp hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10. Trong đó, Liên danh Hoa Lư bao gồm 8 doanh nghiệp gồm Coteccons, Đầu tư Xây dựng Unicons, Tổng Công ty Thành An, Tập đoàn Xây dựng Delta, Central, An Phong, Xây dựng Hoà Bình và Powerline Engineering Public Company Limited (tới từ Thái Lan). Trong đó, Coteccons là thành viên đứng đầu liên danh.

Liên danh thứ hai dự thầu là Vietur bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS (Thổ Nhĩ Kỳ), CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1), CTCP Kết cấu ATAD, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG), Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), CTCP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HAN). Trong đó, IC ISTAS đứng đầu liên danh này

Liên danh thứ ba tham dự thầu là CHEC-BCGE-Vietnam Contractors do China Harbour Engineering Company Limited của Trung Quốc đứng đầu và 8 thành viên còn lại gồm Beijing Construction Engineering Group, Xây dựng - Thương mại Thuận Việt, Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, Xây dựng CDC, Tổng Công ty 789, Nhà thép PEB, Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 52, Đầu tư và Xây dựng Samcons Việt Nam.

Đây được xem là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa nhóm các doanh nghiệp xây dựng hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh ngành thị trường bất động sản trầm lắng.

Mặc dù có 3 liên danh với nhiều tên tuổi tham gia đấu thầu nhưng theo quan điểm của nhiều chuyên gia, sự cạnh tranh chính sẽ diễn ra giữa hai nhóm Liên danh Hoa Lư và Vietur. Trong đó, Vinaconex - một thành viên của liên doanh Vietur vừa hoàn thành xây dựng sân bay Phú Bài (Huế) và có rất nhiều kinh nghiệm trong triển khai các dự án hạ tầng trong lĩnh vực đầu tư công, nên am hiểu về thủ tục quyết toán các dự án đầu tư công. Với Coteccons, doạnh nghiệp đứng đầu liên danh Hoa Lư có kinh nghiệm xây dựng dự án lớn là tòa nhà Landmark 81. Tuy nhiên điểm lưu ý là việc điều hành Coteccons trong giai đoạn xây dựng Landmard 81 có dấu ấn không nhỏ từ ông Nguyễn Bá Dương (cựu chủ tịch Coteccons), nhân vật có vai trò quan trọng trong nhóm liên danh Vietur.

Ngoài ra, ở diễn biến bên lề, liên danh Hoa Lực nhiều lần bảy tỏ sự tự tin về việc sẽ trúng thầu dự án cũng như khả năng hoàn thành gói thầu chỉ trong 36 tháng, ngắn hơn 3 tháng so với yêu cầu từ chủ đầu tư.

"Chúng tôi chọn các thành viên liên danh dựa trên năng lực và kinh nghiệm thi công thực tế chứ không dựa trên tên tuổi để làm đẹp hồ sơ dự thầu. Mỗi nhà thầu phải là một mảnh ghép hoàn hảo vừa phát huy thế mạnh của từng đơn vị vừa cộng hưởng tạo nên sức mạnh chung của toàn bộ liên danh", ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons từng chia sẻ.

Không những vậy, cổ phiếu CTD nhờ sức nóng từ liều dopping này cũng đã tăng mạnh trong vài tháng gần đây trước khi giảm mạnh trong sáng nay (24/7).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Trái chiều diễn biến cổ phiếu đấu thầu thi công sân bay Long Thành: Bộ đôi CTD, HBC giảm sâu, VCG, PHC, CC1, HAN đồng loạt tăng trần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO