Grab mới đây công bố "Báo cáo xu hướng giao hàng thực phẩm và hàng hóa tại Việt Nam năm 2022", dựa trên nghiên cứu thị trường sơ cấp tại 6 quốc gia từ tháng 1 – tháng 9/2022, phỏng vấn chuyên gia và các nguồn tin trong ngành, phân tích xu hướng truyền thông và dữ liệu từ nền tảng Grab từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2022.
Theo đó, trà sữa giữ vững danh hiệu "lựa chọn quốc dân" với 2 năm liên tiếp trở thành món được ưa chuộng nhất trên GrabFood tại Việt Nam. Các món còn lại trong top 10 năm nay gần như tương tự năm 2021, nhưng vị trí có nhiều thay đổi.
Bún chả không còn nằm trong top 10 món được ưa chuộng hàng đầu, thay vào đó là bánh mì. Dù năm ngoái không góp mặt trong bảng xếp hạng, bánh mì năm nay đứng thứ tư trong top 10. Ngoài ra, vị trí thứ hai được đổi từ gà rán sang cơm sườn.
Vào mỗi thời điểm khác nhau trong ngày, người dùng GrabFood lại ưa chuộng những món ăn và thức uống khác nhau. Bún thịt nướng là món ăn được đặt nhiều cả cho bữa sáng (5-11h) và bữa trưa (11h-15h), còn sữa chua trân châu và sữa tươi trân châu đường đen đều lọt top đồ uống trong 3 khung giờ.
Ngoài ra, chân gà lọt top 3 món được ưa chuộng nhất cho cả bữa tối (18h-22h) và bữa khuya (22h-5h sáng hôm sau). Grab cho biết món ăn được đặt bất cứ lúc nào trong ngày là khoai tây chiên, nem rán, chả giò.
Top 5 phong cách ẩm thực được tìm kiếm nhiều nhất trên GrabFood Việt Nam từ năm 2021 đến năm nay đều là món Ý, món chay, món Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, món Ý giữ vững vị trí số 1, còn món chay leo từ vị trí thứ 4 lên thứ 2.
Đối với nền tảng GrabMart Việt Nam, bia tăng từ vị trí thứ 9 lên dẫn đầu bảng xếp hạng đơn hàng thực phẩm hàng đầu. Theo báo cáo, hơn 21.600 lon bia được bán ra mỗi ngày, tức là mỗi phút có 15 lon bia được bán ra.
Bên cạnh đó, mì ăn liền, bánh mì, trứng, xúc xích không còn có mặt trong top 10. Thay vào đó là sữa đặc và kem tươi, sữa, nước đóng chai, sữa chua. Chất tạo ngọt và sữa đặc được mua nhiều gấp 12 lần so với năm ngoái.
Dựa trên các dữ liệu và phân tích, Grab nhận thấy xu hướng nổi bật đầu tiên trong bữa ăn của người Việt là thực phẩm lành mạnh, cùng các món ăn được thay bằng nguyên liệu gốc thực vật.
Theo khảo sát của Grab vào tháng 7/2022, 93% người Việt chia sẻ rằng họ ăn ít nhất một bữa lành mạnh cứ mỗi 2-3 ngày. Đặc biệt, người dùng trên GrabFood có xu hướng chọn đồ ăn lành mạnh cho bữa trưa nhiều hơn so với các thời điểm khác trong ngày.
Xu hướng thứ hai là ngày càng nhiều người muốn thưởng thức món ăn ngon tại nhà hơn là ăn ngoài. Theo khảo sát hồi tháng 8/2022, 2 trong số 5 người dùng thích đặt món về nhà trong các dịp tụ họp hơn là ra ngoài ăn. Từ năm 2020 đến 2022, trên GrabFood các đơn hàng số lượng lớn ở các khu dân cư vào dịp cuối tuần tăng tới 3 lần.
Xu hướng tiếp theo là người dùng chi nhiều hơn khi họ có thể tùy chỉnh món ăn. Những yếu tố người Việt muốn được điều chỉnh nhất là lượng đá, độ ngọt, độ cay, loại topping, loại nước sốt. Giá trị đơn hàng tăng 15% khi người dùng được tùy chọn món.
Grab còn nhận thấy những món ăn vặt giúp thúc đẩy doanh thu ngoài giờ cao điểm. Theo khảo sát hồi tháng 8/2022, 2 trong số 5 người dùng chia sẻ rằng họ ăn vặt ít nhất 1 lần mỗi ngày. Từ năm 2020 đến 2022, số đơn hàng vào giờ ăn xế trên GrabFood tăng gấp 3 lần. Cũng trong khoảng thời gian này, số đơn hàng đồ ăn vặt trên GrabMart tăng gấp đôi.
Xu hướng cuối cùng được nêu ra trong báo cáo là món ăn kèm giúp người dùng được hưởng ưu đãi giao hàng miễn phí, đồng thời giúp nhà hàng tăng doanh số. 1 trong số 4 người dùng chia sẻ rằng họ sẽ đổi nhà hàng nếu không thể đạt giá trị đơn hàng tối thiểu để nhận khuyến mãi. 3 sản phẩm được mua kèm nhiều nhất là đồ ăn vặt, món tráng miệng và thức uống.