TPS: Trong kịch bản tích cực nhất, VN-Index có thể vượt 1.400 điểm trong nửa cuối năm

Phương Linh | 09:55 10/07/2023

Theo TPS, triển vọng thị trường trong nửa cuối năm được cho đã tích cực hơn so với giai đoạn trước khi VN-Index bứt phá khỏi trendline giảm dài hạn bắt đầu từ 4/2022 thành công kiểm định lại lực cầu tại đây để tiến vào xu hướng tăng.

TPS: Trong kịch bản tích cực nhất, VN-Index có thể vượt 1.400 điểm trong nửa cuối năm

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá kinh tế Việt Nam được cải thiện ở những tháng cuối quý 2 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Tăng trưởng GDP đạt mức 4,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 7,8% ở quý 2/2022. Nguyên nhân do các yếu tố cấu thành GDP như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng trưởng chậm. Theo TPS, Việt Nam đang đối diện với thách thức để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 nếu xuất khẩu chưa phục hồi.

Điểm tích cực là lĩnh vực sản xuất được cải thiện ở 2 tháng cuối quý 2, IIP tháng 6 tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong tháng 6, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất kể từ đầu năm 2023. Hoạt động thương mại hàng hoá tháng 6 tiếp tục sôi động trong mùa du lịch hè. Tuy nhiên cán cân thương mại 6 tháng đầu năm xuất siêu 12,25 tỷ USD do xuất khẩu sụt giảm nhẹ hơn nhập khẩu.

Chứng khoán vẫn duy trì được sự hấp dẫn hơn khi mặt bằng lãi suất sụt giảm

Riêng với thị trường chứng khoán, đội ngũ phân tích đánh giá động lực chính giúp thị trường tiếp tục đi lên trong tháng qua đến từ đà tăng của nhóm vốn hóa lớn và vừa. Sự vận động này phù hợp khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chính là khẩu vị giải ngân của khối ngoại và chiếm phần lớn danh mục của tổ chức trong nước. Trong tháng 7, TPS cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm VN30 khi đây là giai đoạn thị trường sẽ bị tác động bới yếu tố kết quả kết quả kinh doanh quý 2/2023. Do đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến hoặc cải thiện rõ rệt so với quý trước trong mùa báo cáo sắp tới, qua đó, làm động lực giúp thị trường tiếp tục đi lên các mức cao khác.

Không chỉ về điểm số, thị trường đã bắt đầu khởi sắc kể từ cuối tháng 4/2023 và thanh khoản đã liên tục bùng nổ, đạt mức trung bìnhh hơn 15.000 tỷ đồng/phiên ở tháng 6. TPS đánh giá yâm lý của nhà đầu tư đã lạc quan hơn về triển vọng thị trường do những yếu tố tiêu cực nhất đã diễn ra và phản ánh vào thị trường trong năm 2022, đồng thời lãi suất giảm khiến các kênh đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn. Các CTCK cũng đã tích cực triển khai các chương trình kích cầu kể từ đầu năm 2023 đến nay như hạ lãi suất margin hay ưu đãi phí với mức thấp là 0%.

Theo TPS, mặc dù định giá không còn thật sự hấp dẫn như giai đoạn cuối năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư nước ngoài, nhưng với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ tạo đáy trong nửa đầu năm 2023 và dần được cải thiện trong thời gian còn lại, cộng thêm mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng giảm, dòng tiền sẽ ra khỏi kênh trú ẩn an toàn như gửi tiết kiệm. Do đó, đây vẫn sẽ là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng hoặc mua vào để đón đầu xu hướng này.

Việc khối ngoại giải ngân mua ròng trở lại có thể tiếp diễn nhờ kỳ vọng về biến động căng thẳng của tỷ giá ở giai đoạn cuối năm ngoái sẽ khó lặp lại trong bối cảnh hiện tại và NHNN vẫn có khả năng để duy trì tỷ giá ở mức ổn định, qua đó tạo điều kiện để thu hút dòng vốn ngoại.

Ba kịch bản cho thị trường chứng khoán

Cho triển vọng nửa cuối năm 2023, kịch bản cơ sở dự báo VN-Index giao động trong khoảng từ 1.150 – 1.210 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 5% cho cả năm. Đặc biệt với kịch bản tích cực nhất, EPS tăng trưởng 15%, P/E 13 lần, chỉ số VN-Index có thể lên tới 1.436 điểm trong năm 2023.

Theo TPS, triển vọng thị trường trong nửa cuối năm được cho đã tích cực hơn so với giai đoạn trước khi VN-Index bứt phá khỏi trendline giảm dài hạn bắt đầu từ 4/2022 thành công kiểm định lại lực cầu tại đây để tiến vào xu hướng tăng. Dù vậy, xét về mặt định giá, thị trường đã không còn sự hấp dẫn như giai đoạn trước đây để thu hút sức mua đột biến. TPS xây dựng 3 kịch bản cho thị trường trong tháng 7.

Thứ nhất, tại kịch bản cơ sở, TPS cho rằng thị trường sẽ chững lại đà tăng chuyển sang biến động sideway trong vùng 1.100 – 1.150 điểm khi dòng tiền mua mới trở nên thận trọng và đứng ngoài quan sát kết quả kinh doanh quý 2/2023 dần được công bố trong tháng 7.

Thứ hai, với kịch bản tích cực, trong bối cảnh diễn biến lãi suất điều hành đang có chiều hướng giảm dần, kết hợp với yếu tố tỷ giá, lạm phát được kiểm soát, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển sang nơi có tỷ suất sinh lời kỳ vọng cao hơn, trong đó chứng khoán là sự lựa chọn tiềm năng. Diễn biến này giúp thị trường tiếp tục thu hút dòng tiền mới tìm về, qua đó hướng tới vùng giá quanh mức 1.200 điểm.

Thứ ba, tại kịch bản tiêu cực, rủi ro sẽ đến từ các việc như sự mất giá của VND, kết quả kinh doanh của của một số doanh nghiệp vốn hóa lớn không đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, mặt bằng định giá hiện nay của thị trường vẫn chưa ở mức cao như những giai đoạn tăng nóng 2017 -2018 hay 2021. Do đó khó xảy ra cú sụt giảm mạnh. VN -Index sẽ có khả năng điều chỉnh về quanh mức hỗ trợ 1.020 điểm.


(0) Bình luận
TPS: Trong kịch bản tích cực nhất, VN-Index có thể vượt 1.400 điểm trong nửa cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO