TP.HCM: Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản giải thể

Phương Thảo | 17:37 06/03/2023

Do thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn về tính thanh khoản, nhiều sàn giao dịch tại TP.HCM đều rơi vào tình trạng giải thể.

TP.HCM: Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản giải thể
Sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nhiều tháng qua đã khiến các sàn môi giới phải giải thể dù vừa mới thành lập được 8 tháng.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa công bố thông tin hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn.

Theo đó, trên địa bàn thành phố có 59 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động, giảm một sàn so với thời điểm giữa tháng 1/2023.

Sở Xây dựng cũng cho biết, có thêm 9 sàn giao dịch chấm dứt hoạt động trong đó ngoài 6 sàn giao dịch được Sở Xây dựng công bố trong tháng đầu năm, cơ quan này cập nhật thêm 3 sàn dừng hoạt động.

Cụ thể, các sàn này bao gồm: Sàn giao dịch bất động sản Vieland của Công ty TNHH Dịch vụ bất động sản Vieland (Q.3), thành lập tháng 4/2021; Sàn giao dịch bất động sản Goland của CTCP Đầu tư Phát triển quỹ đất Goland (Q.1), thành lập tháng 3/2019; Sàn giao dịch bất động sản Kim Cúc Land của CTCP Đầu tư Kim Cúc Land (Q.Bình Thạnh), thành lập tháng 5/2022.

Thực tế, sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nhiều tháng qua đã khiến các sàn môi giới phải tìm nhiều cách xoay xở, thậm chí giải thể dù vừa mới thành lập được 8 tháng.

Trong tham luận gửi hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh ngày 17/2, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng cho biết doanh nghiệp môi giới bất động sản chật vật, thậm chí nhiều chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động. Số môi giới phải nghỉ việc lên đến hàng chục nghìn người, ước đạt 80% lực lượng.

Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy lao động, thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO...

Nguyên nhân được xác định là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn đối diện với lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp chịu lỗ vẫn còn có cơ hội xoay vần, bởi năm qua, thị trường chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản phá sản, giải thể gia tăng. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2022 số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.


(0) Bình luận
TP.HCM: Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản giải thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO