Theo báo cáo tài chính vừa được công bố của 28 ngân hàng niêm yết, tất cả các nhà băng đều ghi nhận tiền gửi không kỳ hạn giảm sút, chỉ có KienLongBank tăng trưởng dương.
Cụ thể, tổng tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng (CASA) tại các nhà băng đang ở mức hơn 1,5 triệu tỷ đồng, giảm gần 11% so với đầu năm. Trong khi đó, tại KienLongBank, CASA tăng 254 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm lên hơn 2,3 nghìn tỷ, tương ứng với mức tăng 12,37%.
Top 10 ngân hàng có CASA lớn nhất
Xét về số dư tiền gửi không kỳ hạn, Vietcombank vẫn giữ ngôi vương với hơn 368,1 nghìn tỷ đồng. Con số này giảm 8,45% so với đầu năm. Hiện CASA chiếm khoảng 28,7% tổng tiền gửi khách hàng của nhà băng này.
Mặc dù là ngân hàng có tiền gửi khách hàng nhiều nhất nhưng tiền gửi không kỳ hạn của BIDV chỉ đứng vị trí thứ hai. "Ông lớn" này nắm giữ 237,3 nghìn tỷ tiền gửi không kỳ hạn, giảm 12,28% so với đầu năm.
VietinBank ở vị trí thứ ba, với 223,13 nghìn tỷ tiền gửi không kỳ hạn, giảm 8,38% so với đầu năm. Hiện CASA đang chiếm tỷ trọng khoảng 17,5% trong tổng tiền gửi của ngân hàng.
MB đứng thứ 4 với 149,28 nghìn tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, giảm 10,6% so với đầu năm.
Với hơn 118,2 nghìn tỷ CASA, giảm 3,96% so với đầu năm, Techcombank đứng ở vị trí thứ 5. Hiện tại, tiền gửi không kỳ hạn đang chiếm khoảng 30,5% tổng tiền gửi khách hàng của nhà băng này.
Theo sau là ACB với 83,35 nghìn tỷ CASA, giảm 7,53% so với đầu năm. Sacombank ghi nhận 81,58 nghìn tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, giảm 4,94%.
3 ngân hàng cuối cùng trong top 10 là VPBank (44,7 nghìn tỷ); MSB (26,74 nghìn tỷ); TPBank (26,09 nghìn tỷ).
Top 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi khách hàng cao nhất
Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng) có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng.
MB đang ở đầu bảng xếp hạng với tỷ lệ CASA cuối tháng 3 gần 33%, giảm khoảng 6 điểm phần trăm so với đầu năm. Ngân hàng này đã soán ngôi vương về tỷ lệ CASA của Techcombank vào cuối năm 2022 và đặt mục tiêu tiếp tục giữ vị thế Top 1 về tỷ lệ này trong năm 2023.
Techcombank ghi nhận tỷ lệ CASA ở mức gần 31% và đứng ở vị trí thứ hai. Tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi khách hàng của ngân hàng này giảm khoảng 3,82 điểm phần trăm so với đầu năm.
Ở Vietcombank, tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi bị sụt giảm từ 32,34% xuống còn 28,73%.
MSB theo sau với tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi khách hàng là 21,21%, giảm 8,45 điểm phần trăm so với đầu năm.
ACB giữ vững vị trí thứ 5 với tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi khách hàng ở mức 19,72%, giảm 2,06 điểm phần trăm so với đầu năm. Việc sụt giảm tỷ lệ này chủ yếu do tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh về lượng và tỷ trọng trong tổng tiền gửi khách hàng.
5 ngân hàng còn lại trên bảng xếp hạng tỷ lệ CASA trên tiền gửi khách hàng lớn nhất là VietinBank (17,54%); Sacombank (17,04%); BIDV (15,85%); PGBank (15,34%); VPBank (13,5%).
Theo các chuyên gia, các ngân hàng đã có nhiều động thái nhằm thu hút tiền gửi không kỳ hạn như miễn giảm phí, gia tăng lãi suất không kỳ hạn, tăng nhiều tiện ích trên kênh số. Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế khó khăn, cộng thêm lãi suất tiết kiệm cao, người dân và doanh nghiệp đã chuyển phần lớn lượng tiền gửi trên tài khoản vãng lai sang tiết kiệm trong giai đoạn quý IV/2022 đến đầu quý I/2023.
Trên thực tế, ngay trong quý I/2023, tổng tiền gửi tại 28 nhà băng đã tăng thêm 300,9 nghìn tỷ. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn là động lực chính thúc đẩy tổng tiền gửi tại các nhà băng tăng lên. Cụ thể, chỉ tiêu này đã tăng hơn 464 nghìn tỷ trong quý I/2023.
Các nhà băng kỳ vọng CASA sẽ sớm tăng trưởng trong thời gian tới, khi tích lũy của người dân phục hồi và các hoạt động kinh tế cũng như đầu tư sôi động trở lại. Đây cũng là một chỉ tiêu quan trọng đối với các nhà băng. Tỷ lệ CASA càng cao thì ngân hàng càng có chi phí vốn thấp, từ đó có nhiều lợi thế để đảm bảo NIM, gia tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ.