Top 10 ngân hàng có dư nợ cho vay khách hàng nhiều nhất
Theo báo cáo tài chính vừa được 27 ngân hàng công bố, số dư cho vay khách hàng cuối quý I/2023 của các nhà băng đạt hơn 8,88 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2022.
Trong đó, top 10 nhà băng có số dư cho vay hơn 7 triệu tỷ, tăng 4,6% so với đầu năm, ứng với 79,56% tổng lượng cho vay khách hàng của 27 ngân hàng.
BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn đang đứng đầu bảng xếp hạng vớiquy mô cho vay khách hàng đạt hơn 4,1 triệu tỷ, tăng 4,12% so với đầu năm.
Với khối lượng cho vay gần 1,6 triệu tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm, BIDV đang là ngân hàng cho vay khách hàng nhiều nhất trong 27 ngân hàng.
VietinBank theo sau với khối lượng cho vay hơn 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 4,57% so với năm trước.
Vietcombank ở vị trí thứ ba với số dư cho vay khách hàng đạt hơn 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với đầu năm.
MB đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng, tính đến cuối quý I/2023, nhà băng này cho vay gần 481,4 nghìn tỷ đồng cho các khách hàng của mình, tăng 4,52% so với đầu năm. Trong đó, cho vay lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; bán buôn bán lẻ; sửa chữa xe ô tô, xe máy và xe có động cơ khác; kinh doanh bất động sản đang là động lực tăng trưởng chính.
Techcombank ở vị trí thứ 5 với số dư cho vay khách hàng đạt 465,43 nghìn tỷ đồng, tăng 10,68%. Hoạt động cho vay doanh nghiệp là động lực chính trong quý I. Cụ thể, lượng cho vay khách hàng tổ chức đã tăng 49.117 nghìn tỷ đồng (~ 25,4%). Trong đó, riêng lĩnh vực bất động sản đã đóng góp hơn 39,1 nghìn tỷ đồng vào tăng trưởng. Ở chiều ngược lại, lượng cho vay khách hàng cá nhân từ 217,45 nghìn tỷ đã giảm còn hơn 213 nghìn tỷ (giảm hơn 4,42 nghìn tỷ, tương đương mức giảm khoảng 2%).
5 ngân hàng còn lại trong top 10 gồm VPBank (463,47 nghìn tỷ), Sacombank (448,47 nghìn tỷ), ACB (411,29 nghìn tỷ), SHB (408,53 nghìn tỷ) và HDBank (288,53 nghìn tỷ).
Top 10 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cho vay khách hàng cao nhất
Về mặt tăng trưởng, chỉ có 2 ngân hàng có tăng trưởng dư nợ cho vay trên 10%. Cụ thể đó là MSB (tăng ~13,4%) và Techcombank (tăng 10,7%).
Trong đó, động lực tăng trưởng của MSB chủ yếu đến từ cho vay lĩnh vực thương mại, hàng công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng; bất động sản; thương mại xăng dầu gas khí đốt và cho vay cá nhân.
Với mức tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 9,4%, HDBank đứng vị trí thứ 3 trong danh sách. Tiêu dùng; cho vay kinh doanh bất động sản; xây dựng;bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và động cơ khác; cùng một số hoạt động khác đang là các yếu tố chính thúc đẩy số dư cho vay khách hàng tại HDBank mở rộng.
TPBank theo sau với khối lượng cho vay khách hàng ở mức 172,75 nghìn tỷ, tăng 7,3% so với đầu năm.
NamABank ở vị trí thứ 5 với khối lượng cho vay khách hàng đạt hơn 128 nghìn tỷ, tăng 7,2%.
5 ngân hàng còn lại trong top 10 tăng trưởng cho vay khách hàng là VietABank (6,6%), SHB (5,9%), VPBank (5,7%); VietCapitalBank (5,3%); BIDV (4,9%).
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, do yếu tố mùa vụ là dịp lễ tết đầu năm, nên chỉ tiêu cho vay khách hàng thường không tăng trưởng mạnh trong quý I. Cộng thêm đầu năm nay, thị trường khó khăn, lãi suất cao, doanh nghiệp và người dân cũng có xu hướng hạn chế đi vay.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 3/2023, nhiều chính sách giúp hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn đã liên tục được các cơ quan quản lý ban hành. Vì lẽ đó, trong thời gian tới, hoạt động cho vay ở các nhà băng đang được kỳ vọng sẽ tích cực hơn.