VN-Index ghi nhận một tuần giao dịch biến động mạnh với tâm điểm là mức giảm điểm mạnh trong phiên thứ sáu cuối tuần (18/8), xóa sạch thành quả tăng điểm của 3 tuần liền trước. Kết phiên cuối tuần, VN-Index giảm sâu hơn 55 điểm (tương đương 4,5%) để lùi về mốc 1.177 điểm.
Trên sàn HOSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất có mức tăng thu hẹp so với tuần trước, cao nhất là 39% và thấp nhất là 8%. Cổ phiếu tăng mạnh nhất HOSE là PIT của CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (PITCO) khi ghi nhận chuỗi tăng kịch trần 12 phiên liên tiếp lên mức 11.800 đồng/cp.
Giải trình về đà tăng “nóng” của cổ phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết giá cổ phiếu tăng là do cung cầu của thị trường, quyết định mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư nằm ngoài kiểm soát công ty và công ty không có sự tác động đến giá giao dịch.
Theo giới thiệu, CTCP Xuất Nhập khẩu Petrolimex tiền thân là Công ty Xuất Nhập khẩu Petrolimex được thành lập từ năm 1999 theo quyết định của Bộ Công Thương. Năm 2004, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và cổ đông nhà nước nắm giữ 80% vốn điều lệ công ty.
Ở chiều giảm, hàng loạt cổ phiếu trên HOSE cũng ghi nhận mức giảm trên 11%. Đáng chú ý, áp lực chốt lời tiếp tục xuất hiện tại một số cổ phiếu đã có đà tăng nóng trước đó như SJC, EVG, QCG,LEC,...
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất cũng có mức tăng từ 14-54%. Những mã tăng điểm chủ yếu là cổ phiếu nhỏ, có tính đầu cơ cao.
Ở chiều giảm giá, trong tuần qua nhiều cổ phiếu cũng ghi nhận mức giảm từ 11% - 22% trên HNX. Một số mã tiêu biểu là VC7 (-18%), DDG (-16%), TAR (-11%),..
Trên UPCOM, biên độ giao dịch rộng hơn nên hàng loạt cổ phiếu cũng tăng mạnh từ 31%-98% trong tuần qua.
"Quán quân" tăng giá trên UPCOM tuần này tiếp tục gọi tên EPC của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Pốk. Sau 5 phiên tăng tăng trần, EPC đã tăng đến 98% giá trị.
Nhìn rộng hơn, cổ phiếu này đã có 8 phiên nhuộm sắc tím bất chấp thị trường chung sóng gió. Theo đó, thị giá EPC cũng đã tăng gấp gần 3 lần sau hơn 1 tuần lên 17.800 đồng/cp. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh cao đạt được hồi cuối năm ngoái. Thanh khoản của mã này khá èo uột với vài trăm cổ phiếu, riêng phiên 18/8 khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3 nghìn đơn vị.
Ngược lại, trong tuần qua nhiều mã trên UPCOM cũng ghi nhận mức giảm từ 21% - 40%. Tuy nhiên, những cổ phiếu này chủ yếu là mã nhỏ, không được nhiều người quan tâm.