Thứ Hai (3/2), Bộ trưởng Tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ Nam Phi, Gwede Mantashe, kêu gọi các nước châu Phi ngừng xuất khẩu khoáng sản sang Mỹ.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ dừng viện trợ trong tương lai cho Nam Phi vì chính sách cải cách ruộng đất của nước này. Tháng trước, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ký ban hành dự luật quốc hữu hóa nhằm tạo điều kiện cho nhà nước trong việc thu hồi đất đai phục vụ các lợi ích công cộng.
Phát biểu tại hội nghị Đầu tư vào Khai thác mỏ Châu Phi Indaba ở Cape Town, Bộ trưởng Mantashe tuyên bố rằng các quốc gia châu Phi không nên e ngại các mối đe dọa từ Mỹ.
“Chúng ta hãy ngừng cung cấp khoáng sản cho Mỹ”, ông Mantashe nói. “Nếu Mỹ không viện trợ cho chúng ta, chúng ta cũng không cung cấp khoáng sản cho họ”.
Đáp lại phản ứng của ông Trump, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa đã bảo vệ chính sách cải cách ruộng đất của đất nước, tuyên bố rằng đây là “quy trình pháp lý theo hiến pháp” và chính phủ “không tịch thu bất kỳ mảnh đất nào”.
Bộ trưởng Mantashe cho biết châu Phi là khu vực giàu tài nguyên nhất trên toàn cầu. Châu Phi đang sở hữu ít nhất 90% trữ lượng crom và bạch kim, 40% trữ lượng vàng và trữ lượng coban, vanadi, mangan và urani lớn nhất trên thế giới.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, Washington đã viện trợ gần 440 triệu USD cho Nam Phi năm 2023.
Những tuyên bố của ông Trump gây chú ý, khi đồng minh thân cận của ông – tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk – là người gốc Nam Phi. Musk sinh ra tại thủ đô Pretoria của Nam Phi vào năm 1971. Tỷ phú này rời Nam Phi khi 17 tuổi để theo học tại ĐH Queens (Canada), trước khi đến Mỹ 2 năm sau đó.
Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm Elon Musk lãnh đạo Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE) với nhiệm vụ tinh giản bộ máy chính phủ và cắt giảm chi tiêu ngân sách. Ngày 3/2, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận tỷ phú Elon Musk đang làm việc cho Tổng thống Trump với vai trò "nhân viên chính phủ đặc biệt".
Theo RT