Dấu mốc quan trọng của tháp kiểm soát không lưu sân bay Long Thành
Tháp không lưu cùng nhiều hạng mục khác của dự án thành phần 2 sân bay Long Thành đang ở giai đoạn tăng tốc để về đích trong vài tháng tới.
Ngày 20/7, Tháp kiểm soát không lưu (KSKL) Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã có một dấu mốc quan trọng khi hoàn thành công tác đổ mái ở cao độ 123m. Đây là công trình cao nhất trong khu vực sân bay, đảm bảo bao quát toàn bộ không gian hoạt động trên mặt đất như đường băng, đường lăn và sân đỗ, được ví như "bộ não" của siêu sân bay.


“Hạng mục này không chỉ đánh dấu việc hoàn tất thi công kết cấu bê tông cốt thép của công trình, mà còn tạo nền móng kết cấu vững chắc để triển khai lắp đặt hệ thống radar giám sát mặt đất, thiết bị đặc biệt quan trọng trong điều hành bay,” ông Nguyễn Công Long, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM-chủ đầu tư dự án) nhấn mạnh.
Việc bố trí radar giám sát mặt đất tại vị trí này giúp hạn chế tối đa các điểm mù do công trình, phương tiện hoặc vật cản, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát và điều hành không lưu.
Tiến độ dự án tháp kiểm soát không lưu
Tháp kiểm soát không lưu Sân bay Long Thành được thiết kế hình búp sen chiều cao 123m, diện tích xây dựng khoảng 80m2. Đường kính thân tháp khoảng 10 m. Tháp có 2 cabin kiểm soát sân đỗ, với diện tích mỗi cabin khoảng 70 m2.
Theo chủ đầu tư của dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), mức đầu tư cho toàn bộ dự án này là gần 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗn hợp, gồm vốn của VATM và vốn vay thương mại trong nước.

Về tiến độ thi công, phần thô của tháp KSKL đã được hoàn thành từ trước Tết 2025. Hiện tại, công nhân và kỹ sư đang tập trung lắp đặt kết cấu thép và triển khai các hạng mục cơ điện, hoàn thiện bên trong thân tháp.
Các hạng mục xây dựng phục vụ quản lý bay như trạm radar sơ cấp/thứ cấp và trạm phát sóng vô tuyến, trạm thu sóng vô tuyến và trạm giám sát phụ thuộc, trạm radar khí tượng, đài dẫn đường đa hướng và đo cự ly đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng.
Sau khi hoàn thiện, tháp không lưu này sẽ là nơi bố trí các phòng chức năng quan trọng, chẳng hạn như phòng kỹ thuật, gian lánh nạn, phòng họp, cabin kiểm soát, khu vực giám sát sân đỗ, theo dõi thời tiết, hỗ trợ điều hành bay và lối lên radar.



Nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án đúng kế hoạch, đặc biệt là các mốc quan trọng phục vụ đưa vào khai thác đồng bộ vào ngày 19/12/2025, chủ đầu tư đang tăng tốc, huy động tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hạng mục then chốt.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam, có quy mô rất lớn và được quy hoạch để trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế quan trọng của khu vực.
Dự án được quy hoạch trong giai đoạn 1 sẽ có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.